Đại biểu Quốc hội: Luật Điện lực (sửa đổi) đáp ứng nhu cầu phát triển điện ở vùng khó khăn
Sau gần 20 năm triển khai thi hành Luật Điện lực năm 2004, vẫn còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được. Vì vậy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sau tiếp thu, chỉnh lý đã được trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV gồm 9 Chương và 130 Điều. Đây là dự án luật rất quan trọng, có tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, do đó Chính phủ mong muốn thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình một kỳ họp.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị, Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Đoàn Điện Biên cho rằng, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã rất tích cực, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Với tinh thần đầu tư cho phát triển điện lực phải "đi trước một bước" trong phát triển kinh tế - xã hội hoàn thiện thể chế về phát triển điện lực là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là cơ sở để phát triển mọi lĩnh vực, ngành kinh tế, xã hội và phục vụ đời sống Nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Ảnh: Phạm Thắng |
Từ góc độ là đại biểu của tỉnh Điện Biên, vùng miền núi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đại biểu Tạ Thị Yên thống nhất cao với nội dung dự thảo Tờ trình của Chính phủ khi đánh giá về tình hình đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn.
Bà Yên dẫn chứng, hiện nay còn rất nhiều thôn (bản), một số đảo, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn chưa được sử dụng điện hoặc có điện nhưng không bảo đảm an toàn, những khu vực này đều có suất đầu tư rất cao, nhưng không có hiệu quả về kinh tế - tài chính.
"Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cấp điện là một thách thức rất lớn, không khả thi nên tôi hoàn toàn đồng tình với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), nhất là những quy định về ưu tiên phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn", bà Yên nhấn mạnh.
Theo vị đại biểu, các quy định về phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong dự thảo Luật đã khá rõ ràng, từ việc yêu cầu bảo đảm cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ các nguồn điện, lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh; quy định các tổ chức, cá nhân được sử dụng vốn đầu tư công ngân sách nhà nước, vốn tự có để đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đưa điện lưới quốc gia về các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh: Hà Thanh |
Từ thực tế ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão vừa qua đã gây nhiều sự cố đường dây và gây gián đoạn, mất điện trên diện rộng ở nhiều địa phương, dẫn tới rớt mạng di động, không thể cung cấp nước sạch cho người dân… "Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ các quy định về thẩm quyền quyết định danh mục, các quy định ưu tiên đối với đầu tư dự án, công trình điện khẩn cấp tại các Điều 20, 21 và 22 của dự thảo Luật, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số", bà Yên nói.
Cũng theo đại biểu, dự thảo Luật đã quy định rất cụ thể hỗ trợ đầu tư đường dây dẫn điện từ sau công tơ đến nơi sử dụng điện cho các đối tượng như: hộ nghèo ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hộ gia đình có người dân tộc thiểu số cư trú ở thôn, xã đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, bà Yên cũng bày tỏ băn khoăn, các chính sách ưu tiên phát triển điện năng cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo đã được chú ý trong dự thảo Luật lần này nhưng hiện còn nằm khá rải rác.
"Cơ quan soạn thảo có thể sẽ chi tiết hóa trong các nghị định kèm theo dự án Luật, nhưng bản thân tôi vẫn mong muốn có được sự rõ ràng, chắc chắn và minh bạch hơn, dễ tiếp cận và có tính thực thi cao hơn trong chính dự án Luật để đảm bảo tính pháp lý cao nhất, ổn định nhất", nữ đại biểu kiến nghị.