Giải pháp nào để ngành tôm vượt bão Covid-19?
Theo phản ánh của các doanh nghiệp ngành tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu, diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp và các tỉnh đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên không chỉ việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn mà các nhà máy cũng đã phải giảm công suất chế biến 60-70%, thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao. Chi phí cho sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" rất cao vì doanh nghiệp phải thuê nhà trọ, khách sạn, thậm chí thuê cả đội xe vận chuyển công nhân… Vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào cho nuôi tôm gặp nhiều ách tắc khi đi qua các chốt trạm.
Ngành tôm đang gặp khó khi dịch kéo dài |
Những khó khăn từ khâu sản xuất, chế biến đã tác động lên kim ngạch xuất khẩu tôm. Nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 119,2 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến giá trị XK tôm trong cả tháng 8 năm nay sẽ giảm từ 35-40% so với cùng kỳ.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá rằng, việc sản xuất gặp khó đã tác động trực tiếp đến giá tôm. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, mặc dù sản lượng tôm nước lợ 8 tháng đầu năm 2021 tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng giá tôm thương phẩm hiện nay giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với năm ngoái, thậm chí có vùng giảm hơn 20.000 đồng/kg.
Thực tế tại tỉnh Cà Mau, giá tôm đã giảm liên tục, thậm chí giảm tới 30% so với thời điểm trước dịch. Giá tôm giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến tình hình thả giống nuôi tôm tại Cà Mau, hiện chỉ đạt khoảng 30-40% diện tích thả nuôi vụ mới.
Giá tôm tại Bạc Liêu cũng giảm tới 40-50%, khiến người nuôi tôm điêu đứng. Giá tôm tại Sóc Trăng giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg bởi các cơ sở chế biến không có nhu cầu nguyên liệu cao do bị thu hẹp hoạt động còn 30-50% công suất do hoạt động “3 tại chỗ”.
Tuy nhiên, VASEP chỉ ra rằng, nếu có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các địa phương thì ngành nuôi tôm có thể phục hồi được. Phân tích lý do, VASEP chỉ ra, nhu cầu từ các thị trường có nhiều tín hiệu tích cực. Thị trường Mỹ và EU đã nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại và vaccine được tiêm diện rộng. Nhu cầu nhập khẩu tôm từ các thị trường này rất cao từ nay đến tháng 11 để phục vụ Noel, nhất là nhu cầu nhập khẩu tôm cỡ lớn. Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn hàng được ký rất nhiều, chỉ lo sản xuất không đủ để đáp ứng.
Cụ thể, ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - cho biết, nhu cầu thị trường đối với tôm cỡ lớn rất tốt với giá xuất cao. Để tăng công suất trong điều kiện thiếu công nhân hiện tại, nhà máy phải tăng sản xuất size lớn.
Ông Lê Văn Quang khuyến cáo, bà con thả mật độ thưa 100-120 con/m2 so với mật độ cao trước đây là 250 – 300 con/m2. Hiện tại size 10-45 con/kg đang được ký hợp đồng nhiều. Loại 40 con/kg đang được thị trường Mỹ đặt hàng nhiều. “Bà con yên tâm thả giống, khi tình hình giãn cách ổn định, doanh nghiệp sẽ đẩy giá mua tăng lên. Minh Phú cũng sản xuất tôm giống, Minh Phú cho biết sẽ cùng với các đơn vị tôm giống có chính sách hỗ trợ giảm giá, nâng chất lượng tôm giống để bà con nuôi thành công”- ông Quang cho hay.
Về chính sách, theo đại diện của VASEP, trong thời gian tới, khi việc tiêm vaccine đã đạt được sự bao phủ nhất định, cơ quan hữu quan nên có chiến lược phù hợp, chính sách hợp lí cho từng địa phương để vừa phòng chống dịch vừa phát triển sản xuất, đạt mục tiêu kép. Các địa phương cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, tiếp tục duy trì sản xuất nuôi tôm nước lợ tránh xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Kiến nghị ngành ngân hàng, các tổ chức tài chính... tham gia hỗ trợ cùng nhà máy chế biến bằng việc hạ lãi suất cho vay thu mua tôm nguyên liệu cho người nuôi, tạo điều kiện cho tái sản xuất.