Dùng tiền Nhà nước “cứu” 8 trạm BOT sai vị trí: Từ nỗi trăn trở đến trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải
Điều hoà linh hoạt nguồn vốn dành cho các dự án đầu tư công Rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước |
Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải thì sẽ phải bỏ ra khoản 10.342 tỷ đồng tiền ngân sách nhằm “xử lý bất cập tại 8 dự án BOT” bằng việc mua lại 5 dự án và bổ sung vốn hỗ trợ 3 dự án. Lý do được đưa ra là 8 dự án BOT này đặt chưa đúng vị trí nên đã phát sinh nhiều “khó khăn, bất cập”.
5 dự án dự kiến được mua lại gồm: BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn với 571 tỷ đồng; BOT vành đai phía Tây TP Thanh Hóa với 892 tỷ đồng; BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91, TP Cần Thơ với 1.754 tỷ đồng; BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 dự kiến 2.850 tỷ đồng; BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk với 745 tỷ đồng.
Trạm thu phí dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh: Báo Giao thông |
3 dự án được xem xét tiếp tục hợp đồng và kéo dài thời gian hoàn vốn, Nhà nước hỗ trợ không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư công trình. Đó là dự án BOT cầu Thái Hà (Thái Bình, Hà Nam) được đề xuất bố trí 717 tỷ vốn ngân sách, thời gian hoàn vốn kéo dài 35 năm, nhà đầu tư cam kết giảm 50% tỷ suất lợi nhuận; dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì dự kiến bổ sung 533 tỷ đồng, kéo dài thời gian hoàn vốn 22 năm; dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả dự kiến bổ sung 2.280 tỷ đồng, kéo dài thời gian thu phí khoảng 28 năm.
Nhiều câu hỏi quanh đề xuất không mới này của Bộ Giao thông vận tải được đưa ra trong khi các trạm BOT vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” kèm với việc mắc kẹt không thể thu phí và huỷ bỏ trong nhiều năm qua.
Trước hết là vì sao lại phải cố tạo ra bằng được tiền lệ là cứ lãi thì doanh nghiệp hưởng, thậm chí còn “gợi ý” cơ quan chức năng cho kéo dài thời gian hưởng, còn khi lỗ lại dồn gánh lên vai Nhà nước trong khi ngân sách không phải là "bầu sữa mẹ" chảy mãi.
Hơn thế nữa trường hợp Nhà nước mua lại các dự án đó sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch và còn có thể dẫn đến hiệu ứng lan rộng tại các dự án khác, khiếu kiện, gây áp lực, tạo sức ép cho cơ quan quản lý Nhà nước, vô hình chung tiếp tục "đục khoét" ngân sách.
Câu hỏi thứ hai là trách nhiệm của các cơ quan tham mưu cùng sự giám sát của Bộ Giao thông vận tải về việc chọn chỗ đặt trạm BOT đến đâu. Để rồi sau thời gian vận hành, thu phí rồi xảy ra cơ sự “khó khăn, bất cập” như chính Bộ này nhìn nhận. Cuối cùng là hệ lụy lãng phí cho ngân sách, người dân thì chịu thiệt thay vì tạo giải pháp căn cơ để không lặp lại câu chuyện cứ gặp khó là “cấu” ngân sách.
Đề xuất này của Bộ Giao thông vận tải (mà phải gọi là tái đề xuất mới đúng) dùng tiền ngân sách để cứu 8 dự án BOT từng được chính người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận là rất “trăn trở”. Vấn đề này, làm người ta nhớ đến câu chuyện “kê cân” (gân gà) trong Tam quốc diễn nghĩa hàm ý chỉ quân tướng dưới quyền Tào Tháo lâm trận đánh ở hang Tà Cốc với quân nhà Thục song cuối cùng ở vào cái thế tiến thoái lưỡng nan: rút thì dở, xông lên cũng không xong.
Làm gì để không còn những dự án “kê cân” như thế, để không tạo áp lực, gánh nặng cho Nhà nước cũng như tạo sự minh bạch trong sử dụng ngân sách là điều rất cần được các cơ quan quản lý xem trọng, nếu không muốn mang cái tiếng là “lợi ích nhóm”.