Dự báo tăng trưởng GDP 2023: Không nên ngủ quên trên chiến thắng
Kinh tế phục hồi, tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt 8,02% |
Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo không nên ngủ quên trên chiến thắng khi những khó khăn trong thương mại đang mạnh lên.
Kỳ vọng tăng trưởng vượt mục tiêu
Năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% nhưng PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - hy vọng rằng mức tăng trưởng có thể đạt 6,2 - 6,7%. Lạm phát sẽ thấp, chỉ khoảng 3,3 - 3,6%.
Các chuyên gia kỳ vọng GDP Việt Nam trong 2023 sẽ vượt mục tiêu |
Đặc biệt, ông Thịnh nhấn mạnh nếu tận dụng được lợi thế của động thái Trung Quốc mở cửa vào 8.1.2023 thì ngay trong năm nay, GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 0,5 - 0,75%.
Chuyên gia cho biết: "Nếu giá xăng dầu ổn định như bây giờ hoặc thấp hơn, cộng với nền kinh tế thế giới tích cực và chúng ta tận dụng được các cơ hội và hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa… thì GDP năm 2023 hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng 6,8 - 7,4%. Khi đó, lạm phát có thể rơi vào khoảng 3,8 - 4,1%, tức vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội đề ra là dưới 4,5%".
Các tổ chức uy tín trên thế giới cũng đặt kỳ vọng rằng đà tăng trưởng 8,0% của năm 2022 sẽ tiếp tục nối dài. Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự kiến nền kinh tế Việt Nam bứt tốc mẽ với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,2% trong năm 2023 và 6,7% trong năm 2024.
Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered - cho biết, nhà băng này vẫn tin vào tiềm năng phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong trung hạn.
“Các chỉ số vĩ mô tuy có chậm lại trong quý IV/2022, song vẫn duy trì mạnh mẽ. Thậm chí, doanh số bán lẻ tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2022 cho thấy sự cải thiện của hoạt động trong nước”, ông Tim Leelahaphan nói.
Cũng theo ông Tim, cán cân thương mại có thể được cải thiện; xuất khẩu có thể sẽ đối mặt với các thách thức toàn cầu; nhập khẩu có nguy cơ giảm. Vốn FDI giải ngân tiếp tục tăng, nhưng triển vọng sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu. Lạm phát có thể là mối đe dọa đối với sự phục hồi liên tục của Việt Nam.
Lạm phát được dự đoán sẽ tăng trong suốt cả năm 2023, đạt khoảng 6% vào những tháng cuối năm và trung bình 5,5% trong cả năm 2023 và 2024 (so với mức 3,2% năm 2022). Thâm hụt tài khóa của Việt Nam có thể kéo dài và là nguồn gốc của lạm phát.
Không nên ngủ quên trên chiến thắng
Ngân hàng HSBC khuyến cáo "không thể ngủ quên trên chiến thắng" khi những khó khăn trong thương mại đang mạnh lên. "Bất chấp 2022 tươi sáng, 2023 sẽ là một năm thách thức", nhà băng dự báo.
HSBC chỉ ra rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng là những khó khăn trong thương mại đang gia tăng. Tháng trước, xuất khẩu giảm 14% so với cùng kỳ 2021 với sự suy yếu diễn ra trên diện rộng ở các ngành hàng chính, đặc biệt là điện tử. Nhập khẩu cũng giảm ở nhóm hàng liên quan công nghệ.
Có thể hiểu rằng Việt Nam đang ở thế "đứng mũi chịu sào" ảnh hưởng từ chu kỳ công nghệ toàn cầu đang hạ nhiệt. Triển vọng sản xuất đang bắt đầu có dấu hiệu khó khăn với chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) mới nhất tiếp tục giảm xuống 46,4 trong tháng qua, mức thấp nhất 1,5 năm qua. Mức dưới mốc 50 phản ánh sản xuất giảm.
HSBC đánh giá: "Động lực bên ngoài của Việt Nam đã giảm tốc trong vài tháng qua và triển vọng không chắc chắn trong năm nay khi tăng trưởng của các đối tác thương mại lớn được dự báo chậm lại".
Áp lực thêm nữa có thể là lạm phát. HSBC lưu ý cần theo dõi chặt chẽ dấu hiệu áp lực lạm phát mạnh lên, đặc biệt là giá hàng hóa cơ bản. Tháng trước đã là tháng thứ 3 liên tiếp lạm phát vượt 4%. Nhà băng này dự đoán lạm phát 2023 sẽ là 4%.