Tăng trưởng kinh tế năm 2023: Đối mặt với nhiều thách thức
Quy hoạch tổng thể quốc gia: Càng rõ ràng, cụ thể, càng mang lại hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% năm 2022 |
Tăng trưởng kinh tế hàng đầu khu vực ASEAN
Năm 2022, vượt qua mọi dự báo và mục tiêu đề ra, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 8,02%, cao nhất trong cả giai đoạn 2011-2022, trong đó, quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71% và quý IV tăng 5,92%.
Năm 2022, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng kinh tế hàng đầu ASEAN |
Nhận định về mức tăng trưởng cả năm 2022, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Đây là mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kết quả tăng trưởng này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường với nhiều khó khăn, thách thức, tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, với mức tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2022, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng kinh tế hàng đầu ASEAN.
Để có được kết quả trên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguyên nhân thứ nhất là xuất phát từ đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực từ phòng chống dịch cho đến tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh… Từ những chủ trương đúng đắn như vậy, hệ thống cơ quan của Chính phủ cũng như cơ quan của Quốc hội đã có những quyết sách, chính sách kịp thời, chính xác, hiệu quả, tác động đến các mặt của nền kinh tế để đạt được kết quả tích cực hơn.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp hết sức mạnh mẽ và đạt được kết quả rất tích cực. Nổi bật là công tác điều hành sản xuất kinh doanh, giá cả, chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như giải ngân vốn đầu tư công… Tất cả những mảng lớn như vậy đều có những chính sách hết sức linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, tạo cơ hội để tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15%; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức |
Không chủ quan với tăng trưởng năm 2023
Tăng trưởng kinh tế năm 2022 dù đạt được những kết qủa tích cực, song theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bước sang năm 2023, tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022; lạm phát duy trì ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia; thị trường bất động sản ở nhiều nước khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước...
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Năm 2023, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế. Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các nền kinh tế.
Theo đó, nội dung quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện trong năm 2023, đó là: Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước, các khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam. Từ đó chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh, nhằm đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng trưởng GDP đạt 6,5% trong năm 2023.
Ngoài ra, các cơ quan liên quan cũng cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó chú trọng cân đối cung cầu, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đặc biệt vào các dịp lễ, Tết.
Bộ ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2023. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển của các vùng kinh tế - xã hội cũng như các địa phương trong vùng.
Đặc biệt, để ứng phó với nguy cơ tác động sụt giảm tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Sản xuất trong nước cần được đẩy mạnh, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất để chủ động nguồn cung. Đồng thời, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản; đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu. Điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao.