Đổi mới chiến lược phòng chống rủi ro gian lận tài chính với AI/ML
Sự kiện do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Dịch vụ công nghệ tin học HPT (HPT) và các đối tác quốc tế SAS Institute và Sutra Management Consultancies tổ chức.
Hội thảo “FraudGuard CxO Roundtable 2024: Đổi mới chiến lược phòng chống rủi ro gian lận với AI/ML” nhằm trao đổi và chia sẻ các xu hướng công nghệ mới nhất trong đó có AI/ML (AI: trí tuệ nhân tạo, Machine Learning: học máy) ứng dụng trong công tác phòng chống rủi ro gian lận tài chính và kinh nghiệm triển khai thực tiễn dưới góc nhìn của đơn vị triển khai trong nước và quốc tế, góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng tái cấu trúc chiến lược phòng chống gian lận toàn diện và hiệu quả.
Toàn cảnh Hội thảo “FraudGuard CxO Roundtable 2024: Đổi mới chiến lược phòng chống rủi ro gian lận với AI/ML” |
Theo đó, trong bối cảnh thời đại chuyển đổi số bùng nổ, một thách thức lớn và nguy hiểm chính là sự gia tăng các mối đe dọa gian lận tài chính đang ngày càng trở nên phức tạp và khó lường. Đây là vấn đề nóng và mang tính thời sự cao, không chỉ thu hút sự chú ý của ngành ngân hàng mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội. Đặc biệt khi chúng ta đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn các hành vi gian lận và lừa đảo trong các giao dịch thanh toán trực tuyến.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị thiệt hại nặng nề do gian lận thanh toán số. Các hình thức gian lận trong thanh toán số phổ biến tại Việt Nam bao gồm: Tấn công mạng (phần mềm độc hại, lừa đảo, tấn công trung gian), mạo danh, gian lận phi kỹ thuật, lạm dụng chính sách hoàn tiền, gian lận của bên thứ nhất... Còn theo thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, trong năm 2023, đã có gần 16.000 phản ánh lừa đảo qua mạng, với nhiều ngàn tỷ đồng đã bị chiếm đoạt.
Việc phòng chống gian lận không chỉ đối mặt với những thách thức từ phía khách hàng mà còn phải ngăn chặn các mối đe dọa, nguy cơ tiềm ẩn từ bên trong. Để có thể đi trước tội phạm tài chính và bảo vệ an toàn tài chính cho tổ chức của mình cũng như cho khách hàng, các tổ chức tín dụng cần triển khai những chiến lược phòng ngừa gian lận phải vừa hiệu quả, vừa có khả năng thích ứng linh hoạt với sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ.
Với các nội dung thảo luận, chia sẻ mang tính nghiệp vụ chuyên sâu, Hội thảo “FraudGuard CxO Roundtable 2024: Đổi mới chiến lược phòng chống rủi ro gian lận với AI/ML” đã thu hút sự quan tâm và tham dự của các lãnh đạo ngân hàng, khối công nghệ thông tin, khối quản lý rủi ro, phòng pháp chế tuân thủ và các phòng ban liên quan của các tổ chức tín dụng lớn tại Việt Nam cho thấy, đây là nhu cầu cấp thiết và rất được các ngân hàng và tổ chức tín dụng quan tâm hiện nay.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm đào tạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - chia sẻ, khó khăn, thách thức lớn nhất của chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán là đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch thanh toán. Sự phát triển của công nghệ mới như blockchain (công nghệ chuỗi khối), big data (dữ liệu khối lượng lớn), AI (trí tuệ nhân tạo) đòi hỏi các ngân hàng phải có sự thay đổi về mô hình quản lý và các hành lang an toàn trước những sự cố về an ninh mạng và bảo mật thông tin khách hàng trong thời kỳ công nghệ số. Đặc biệt, với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số kéo theo sự gia tăng của những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng thường xuyên.
“Đối với lĩnh vực thanh toán, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán thẻ qua POS, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt đối với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế”, ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.
Ngoài các nội dung chia sẻ từ đại diện VNBA, đối tác SAS và Sutra đã có những phần trình bày rất thực tiễn về chủ đề: “Xây dựng chiến lược phòng chống rủi ro gian lận toàn diện dựa trên ba yếu tố con người - quy trình - công nghệ” và “Ứng dụng AI/ML và phân tích chuyên sâu để tối ưu chi phí quản lý gian lận”. Đồng thời với kinh nghiệm triển khai thành công giải pháp quản lý rủi ro gian lận cho một ngân hàng TMCP lớn hàng đầu ở Việt Nam, Công ty HPT đã nêu bật các yếu tố ưu tiên quyết định trong triển khai dự án hiệu quả góp phần hỗ trợ các ngân hàng định hình được lộ trình triển khai dự án trong tương lai, đó chính là cam kết từ lãnh đạo, mục tiêu rõ ràng và đối tác triển khai.
Trong phiên thảo luận chuyên sâu, ông Nguyễn Hồng Quân - Ủy viên Hội đồng VNBA kiêm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TPBank - khẳng định: “Chống gian lận là điều bắt buộc các ngân hàng phải làm. Ngân hàng đã có một giải pháp chống gian lận đủ tốt và toàn diện chưa, vai trò của ban lãnh đạo ngân hàng chính là cần chọn đúng giải pháp và đúng đối tác triển khai. Sau khi chọn đúng, hãy tiến hành. Hãy quyết tâm và tập trung vào mục tiêu”.
Với 30 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các giải pháp dịch vụ công nghệ thông tin cho khách hàng và 15 năm là đối tác chiến lược của SAS Institute - đơn vị chuyên cung cấp giải pháp phần mềm phân tích dữ liệu (data analytics) hàng đầu thế giới, Công ty HPT cũng bày tỏ mong muốn có thể đem đến các giải pháp về quản lý tài sản nợ, quản lý rủi ro, quản lý rủi ro tín dụng, tuân thủ gian lận và tội phạm tài chính, chống rửa tiền, nhận dạng và gian lận kỹ thuật số, gian lận thanh toán, phân tích khách hàng... xây dựng một hệ thống đồng bộ dành riêng cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng.