Kiều hối sẽ đạt mức kỷ lục trong năm 2024?
Việt Nam lọt top 10 thế giới về kiều hối Nguồn kiều hối gia tăng nguồn vốn ngoại tệ, góp phần phát triển kinh tế Ngân hàng vào mùa ‘hút’ kiều hối |
“Nguồn lực vàng” của nền kinh tế
Trước những biến động từ căng thẳng chính trị và suy thoái kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đang chịu áp lực nặng nề. Đáng chú ý, đồng Yên Nhật (JPY) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm, khiến giá trị tiền gửi từ Nhật Bản bị suy giảm đáng kể. Tương tự, đồng đôla Đài Loan (TWD) cũng mất giá mạnh do áp lực suy giảm xuất khẩu và sự suy yếu của nền kinh tế khu vực, trong khi đồng Won Hàn Quốc (KRW) chịu tác động từ lãi suất cao và suy thoái toàn cầu… Những yếu tố này đã làm giảm đáng kể giá trị dòng kiều hối từ các thị trường trọng điểm về Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến người lao động và gia đình họ trong nước.
Trước bối cảnh đó, các ngân hàng, công ty tài chính tại Việt Nam đã chủ động xây dựng chiến lược ứng phó linh hoạt, theo sát diễn biến thị trường và phát triển danh mục sản phẩm dịch vụ phù hợp với từng đối tượng khách hàng nhằm thu hút nguồn lực kiều hối.
Đại diện Vietcombank Remittance - đơn vị 3 lần liên tiếp được Tổ chức Asian Banking & Finance (ABF) trao tặng danh hiệu “Công ty kiều hối tốt nhất Việt Nam” - cho biết, với cam kết không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng, công ty tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực kiều hối tại Việt Nam, đồng thời đạt được doanh số và hiệu quả hoạt động ấn tượng trong năm 2024.
Hiện nay, các ngân hàng cũng đã số hóa hoạt động chi trả kiều hối. Ảnh: Quang Anh |
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính, hiện ngân hàng vẫn là kênh chuyển kiều hối chính tại Việt Nam. Thời gian qua, các nhà băng cũng đang tích cực đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, dịch vụ để tạo thuận lợi hơn cho việc gửi - nhận kiều hối, nhất là trong dịp cận kề Tết Nguyên đán - thời điểm mùa kiều hối sôi động nhất năm.
“Để chuẩn bị cho mùa cao điểm cuối năm nay, các ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư về công nghệ, liên kết với các công ty chuyển tiền tại nhiều quốc gia, giúp kiều bào cũng như người Việt Nam lao động tại nước ngoài chuyển tiền về nước thuận lợi. Hiện nay, các ngân hàng cũng đã số hóa hoạt động chi trả kiều hối qua tài khoản ngân hàng, các trung gian thanh toán… Nếu nhận tiền về tài khoản có thể nhận ngay trong 30 phút, nhận tiền tại nhà thì khoảng 6 tiếng đồng hồ. Trong khi trước đây, thời gian thực hiện dịch vụ này kéo dài từ 12 - 24 tiếng đồng hồ” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đã tạo ra nhiều dịch vụ nhận kiều hối thuận tiện như chuyển đổi từ ngoại tệ sang VND và người nhận có thể rút tại các máy rút tiền tự động hay chuyển vào tài khoản tiết kiệm trực tuyến. Với những yếu tố trên, ngân hàng đang trở thành kênh chuyển kiều hối rất tốt, góp phần hạn chế dòng kiều hối qua các kênh không chính thống và khó kiểm soát.
Đánh giá về sự hỗ trợ của “nguồn lực vàng” này đối với nền kinh tế Việt Nam PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, kiều hối là một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn của Việt Nam, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc gia. Lượng ngoại tệ này giúp gia tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và củng cố giá trị đồng Việt Nam, qua đó góp phần hỗ trợ và phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, phần lớn kiều hối được chuyển vào tiêu dùng, xây dựng nhà ở, kinh doanh nhỏ lẻ và đầu tư vào các lĩnh vực như bất động sản, tài chính và sản xuất. Điều này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt ở các địa phương có lượng kiều hối lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền Tây.
“Dòng kiều hối cũng giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài, từ đó góp phần giảm áp lực tài chính quốc gia và chi phí trả nợ. Đối với các nước, đặc biệt là quốc gia đang phát triển, kiều hối mang lại những lợi ích tích cực và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế” - vị chuyên gia khẳng định.
Mặc dù kinh tế thế giới khó khăn, lượng kiều hối về Việt Nam vẫn đạt kỷ lục 16 tỷ USD. Ảnh: Quang Anh |
Tạo điều kiện thuận lợi kiều bào kết nối với quê hương
Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong 30 năm qua, tổng lượng kiều hối từ năm 1993 đến năm 2023 đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Đặc biệt, từ năm 2020, kiều hối về Việt Nam đã vượt qua dòng vốn FDI giải ngân và vốn viện trợ nước ngoài ODA, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tính tới năm 2023, kiều bào từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 421 dự án tại 42/63 tỉnh, thành của Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD… Bên cạnh các dự án FDI, nguồn kiều hối đổ về Việt Nam trong năm 2024 dự kiến đạt khoảng 16 tỷ USD, tương đương với mức kỷ lục ghi nhận năm 2023, sau thời gian tăng trưởng chậm do đại dịch Covid-19.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, lượng kiều hối đổ về Việt Nam tăng mạnh là tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều khó khăn, thách thức trong năm vừa qua. Điều này cho thấy sự tin tưởng của kiều bào ta ở nước ngoài vào tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trong nước, cùng với cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về thu hút kiều hối.
Ngoài ra, nhiều chính sách mới cũng là một trong những yếu tố nền tảng để thu hút kiều hối - nguồn lực vàng đổ về Việt Nam. Đơn cử như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai sửa đổi đều có những quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất với công dân Việt Nam, kể cả người Việt Nam định cư, sinh sống ở nước ngoài.
Trả lời báo giới mới đây, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện các quy định và chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kiều bào kết nối với quê hương. Các biện pháp này bao gồm đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong việc kết nối cộng đồng và sửa đổi nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Căn cước công dân. |