Đại biểu Quốc hội: Giảm thuế môi trường đối với xăng dầu có còn hợp lý?
Giá xăng dầu hạ nhiệt, doanh nghiệp vận tải “dễ thở” để hoạt động Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu năm 2023 Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu |
Giảm thuế có còn hợp lý?
Liên quan đến chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, hôm nay ngày 2/11, tại hội trường Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, vai trò thu ngân sách Trung ương đang bị giảm mạnh, các khoản chi từ ngân sách Trung ương phải trông chờ vào đóng góp nhân sách địa phương.
Đại biểu này đánh giá có nhiều giải pháp được áp dụng thời gian qua để giúp hồi phục kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, xét toàn diện vẫn là các chính sách ngắn hạn, chưa phải căn cơ, bền vững. Nay dịch bệnh đã qua, tình hình đã khác nên phải thay đổi để có giải pháp căn cơ, phù hợp.
Ví dụ, “giảm thuế môi trường đối với xăng dầu trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, kinh tế và doanh nghiệp khó khăn là cần thiết, song nếu kéo dài chính sách này liệu có hợp lý?", Đại biểu Lâm đặt câu hỏi.
Theo Đại biểu Trần Văn Lâm, việc bất đắc dĩ sử dụng công cụ môi trường để ổn định kinh tế chấp nhận được khi nền kinh tế tác động bởi đại dịch Covid-19. Nhưng, nay tình thế mới nếu tiếp tục dùng chính sách công cụ môi trường này liệu có thể chấp nhận được? Không thể hy sinh môi trường lấy tăng trưởng. "Trong khi chúng ta hô hào chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, thực hiện cam kết COP 26 về khí thải bằng 0 năm 2050", ông Lâm nêu.
Đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường
Mới đây (ngày 13/10/2023), Bộ Tài chính phát công văn lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các địa phương góp ý với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2024.
Từ năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết để điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn phù hợp với tình hình bối cảnh kinh tế - xã hội từng giai đoạn.
Chẳng hạn, Nghị quyết 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu (thực hiện từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 10/7/2022). Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay, dầu hỏa); Mức thuế BVMT đối với nhiêu liệu bay được giữ theo mức quy định tại Nghị quyết 13/2021/UBTVQH15, mức thuế BVMT đối với dầu hỏa áp dụng mức sàn trong Biểu khung thuế (thực hiện từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 10/7/2022).
Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022 giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức sàn trong Biểu khung thuế (thực hiện từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022).
Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2002 giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn so với mức trần trong Biểu khung thuế; giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa so với mức trần trong Biểu khung thuế; riêng mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay áp dụng mức sàn trong biểu khung thuế (thực hiện từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023).
Kể từ ngày 01/01/2024, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ quay lại thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14, ngày 26/9/2018 về mức trần trong Biểu khung thuế. Cụ thể, xăng tăng từ 2.000 đồng/lít đến 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 1.000 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 600 đồng/lit lên 1.000 đồng/lít.
Đại biểu Quốc hội: Giảm thuế môi trường đối với xăng dầu có còn hợp lý? |
Trước đó, tại Nghị quyết số 164/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Tài chính: "Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục áp dụng mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 trong năm 2024, trình Chính phủ trong tháng 10/2023".
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó, việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng đã hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, việc tiếp tục thực hiện mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như mức thuế đã quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 trong năm 2024 sẽ góp phần ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thuế BVMT là một trong những yếu tố cấu thành giá bán lẻ xăng dầu trong nước nên việc điều chỉnh mức thuế BVMT sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Với việc tiếp tục áp dụng mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 như mức thuế BVMT thực hiện trong năm 2023 và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành gần nhất thì giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm so với việc thực hiện theo mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 tương ứng như sau:
Đối với xăng (trừ etanol): mức thuế BVMT giảm là 2.000 đồng/lít, từ đó làm giảm giá bán lẻ xăng (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng 2.200 đồng/lít.
Đối với nhiên liệu bay: mức thuế BVMT giảm là 2.000 đồng/lít, từ đó làm giảm giá bán lẻ nhiên liệu bay (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng 2.200 đồng/lít.
Đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn: mức thuế BVMT giảm là 1.000 đồng/lít, từ đó làm giảm giá bán lẻ dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng 1.100 đồng/lít.
Đối với mỡ nhờn: mức thuế BVMT giảm là 1.000 đồng/kg, từ đó làm giảm giá bán lẻ mỡ nhờn (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng 1.100 đồng/kg.
Đối với dầu hỏa: mức thuế BVMT giảm là 400 đồng/lít, từ đó làm giảm giá bán lẻ dầu hỏa (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng 440 đồng/lít.
Tuy nhiên, do giá bán lẻ xăng dầu trong nước phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thành phẩm thế giới nên mức giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể sẽ tùy thuộc vào tình hình biến động của giá xăng dầu thành phẩm thế giới.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 tương đương sản lượng xăng, dầu, mỡ nhờn dự kiến tiêu thụ năm 2023 và với mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên thì dự kiến số thu thuế BVMT giảm so với nếu thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 khoảng 38.929 tỷ đồng và tổng thu NSNN (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) giảm khoảng 42.822 tỷ đồng.