Cà phê đặc sản đang giúp nhiều nhà vườn quy mô nhỏ vươn lên
Phát triển cà phê đặc sản: Cơ hội và thách thức Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cà phê đặc sản các vùng miền |
Doanh nghiệp kiến nghị lập Hiệp hội Cà phê đặc sản Việt Nam
Ngày 14/10, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024 với chủ đề “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn lắng nghe nông dân nói” đã diễn ra tại Hà Nội.
Nêu ý kiến tại diễn đàn, doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực cho biết Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng lại ít hoặc không có sản phẩm dẫn dắt thế giới. Trong khi đó, hai nước không trồng cà phê là Mỹ và Anh lại dẫn dắt Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới.
Bà Thực cho hay, tại Việt Nam, cà phê đặc sản đang giúp cho nhiều nhà vườn quy mô nhỏ vươn lên, đây cũng là một chương trình bổ sung cho thương hiệu cà phê Việt Nam. Tuy nhiên hiện chỉ mới dừng lại ở thành lập Chi hội Cà phê đặc sản, trực thuộc Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột.
Cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản cần phải có quy trình trồng trọt, chăm sóc kĩ. Ảnh: Simexco Đắk Lắk |
“Cà phê đặc sản yêu cầu hái chín cây, việc sơ chế chế biến không thể làm quy mô lớn, đó là thế mạnh để chúng ta có thể phát huy. Đặc biệt với sự phát triển của thương mại điện tử hiện nay thì cà phê đặc sản có thể bán khắp thế giới. Nếu thành lập Hiệp hội Cà phê đặc sản Việt Nam, chúng ta sẽ dần hình thành ngành cà phê đặc sản, tiến tới lập Sàn Giao dịch cà phê đặc sản của Việt Nam trên thế giới” - bà Thực chia sẻ.
Cà phê đặc sản mới chỉ là chi hội (trực thuộc Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột) nếu thành hiệp hội cà phê đặc sản thì cơ hội đưa ngành cà phê của ta thoát các nhà rang xay lớn thế giới là có thể làm được. Cà phê đặc sản không thể làm quy mô lớn đó là thế mạnh của ta, chúng ta sẽ dần hình thành ngành cà phê đặc sản, làm chủ thế giới, tiến tới có sàn giao dịch cà phê đặc sản, tăng vị thế và giá trị cho ngành cà phê Việt Nam.
Thế mạnh nông nghiệp của ta với thị trường thế giới đó là mảng chế biến thực phảm, hiện tôi đang tham gia tư vấn cho ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa. Công nghệ này hoàn toàn có thể áp dụng với quy mô nhỏ, giúp tránh lãng phí thực phẩm, là lợi thế của nông sản Việt Nam, đưa sản phẩm nông sản tới thị trường tươi ngon lâu hơn. Tôi thấy nông sản bà con làm ra nhanh hỏng, thối là điều rất lãng phí, tốn kém, nếu áp dụng được công nghệ này là điều vô cùng hữu ích.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết sẽ ghi nhận vấn đề thương hiệu cà phê đặc sản. Bộ trưởng cũng chia sẻ khi đi công tác Châu Âu, ông thường mang theo cà phê, trà của Việt Nam vì không uống được hai thức uống này ở nước bạn.
Bộ trưởng cho hay, điều này có nghĩa cái gì mình thấy ngon chưa chắc họ đã thấy ngon, bởi khẩu vị của chúng ta không giống với người khác. Đó là lý do vì sao mình phải xuất khẩu thô, còn họ sơ chế lại cho phù hợp với khẩu vị của họ.
“Nông sản không đơn thuần là nông sản mà phải tích hợp nó thành thực phẩm, dược phẩm… khi nó mang đa giá trị thì chắc chắn giá bán của nó sẽ được nâng cao” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chủ động phát triển cà phê đặc sản
Cà phê đặc sản là một loại cà phê đến từ các vùng trồng có điều kiện tự nhiên đặc biệt. Quy trình chăm sóc, thu hoạch và chế biến của cà phê đặc sản tuân theo các tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI).
Hiện nay, tại Việt Nam, cà phê đặc sản chiếm khoảng dưới 1% sản lượng. Tuy nhiên, câu chuyện cà phê đặc sản chưa được nhiều người biết tới. Kết nối chuỗi giá trị, nâng tầm cà phê đặc sản đang là việc được đặt ra lúc này.
Với yêu cầu cao, làm cà phê hữu cơ đã khó, làm cà phê đặc sản còn khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, hiện đã có nhiều đơn vị chủ động phát triển cà phê đặc sản.
Ông Nguyễn Trí Thắng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Ea Tân - cho biết, hợp tác xã giới thiệu cà phê đặc sản Robusta từ cao nguyên Đắk Lắk, tâm huyết của người nông dân đến với những người uống cà phê trong và ngoài nước.
Là đơn vị đầu tiên làm cà phê đặc sản, HTX cũng gặp không ít chông gai, đó là sự tiếp nhận của thị trường, khó khăn trong khâu chế biến, thời tiết không ủng hộ, giá cà phê tăng đột biến, diện tích cà phê đang giảm dần do sự xâm lấn của các cây trồng khác như cây sầu riêng.
Trong số 240 ha trồng cà phê, hiện tại HTX có hơn 30% sản lượng bán trực tiếp cho các nhà rang xay, còn 70% qua trung gian thương mại. Hi vọng con số này trong thời gian tới sẽ là 50 - 50%.
“Cà phê đặc sản của HTX Ea Tân tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Hà Nội. Giá cà phê đặc sản cao hơn khoảng 50% so với giá cà phê thông thường, nhưng bù lại, cà phê đặc sản cần đáp ứng yêu cầu khắt khe từ quá trình trồng, chăm sóc, chế biến”, ông Nguyễn Trí Thắng chia sẻ.
Ông Đặng Đình Hà - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Coffee and Tea Việt Nam – cho hay, tại Việt Nam, cà phê đặc sản sản lượng chưa quá lớn, người tiêu dùng chưa biết đến nhiều. Như với doanh nghiệp, hiện cà phê đặc sản chỉ chiếm 10% tổng lượng bán ra.
“Cà phê đặc sản chỉ chiếm khoảng 1% sản lượng, do đó, các farm cần mở rộng để có thể tăng cả về diện tích, sản lượng, giá trị”, ông Đặng Đình Hà chia sẻ, chất lượng cà phê phù thuộc 60 - 70 công tác chế biến, yêu cầu đối với cà phê đặc sản còn cao hơn nhiều, chỉ cần sơ xuất một chút trong khâu chế biến thì sẽ không còn là cà phê đặc sản.
"Giá cà phê đặc sản cao hơn cà phê thông thường, hiện các nhà rang xay cũng đang nghiên cứu để đưa ra giá trị và giá cả phù hợp nhất để có thể tiếp cận với đại đa số người tiêu dùng", ông Hà nói.
Kết nối, nâng tầm thương hiệu cà phê đặc sản
Sản phẩm ngon nhất, chất lượng nhất nhưng lại chưa được nhiều người biết đến. Kết nối nhà rang xay với người nông dân là cách để nâng tầm thương hiệu cà phê.
Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột chia sẻ: Thị trường cà phê đặc sản của thế giới phát triển khoảng 30-40 năm, còn tại Việt Nam mới bắt đầu khoảng 10 năm trở lại đây. Hiện, thị trường cà phê đặc sản trên thế giới chỉ khoảng 2%, còn tại Việt Nam chỉ khoảng chưa đến 1% trong tổng lượng cà phê sản xuất ra.
Hiện, cà phê đặc sản giá siêu cao đến từ các giống (Arabica), các vùng trồng cực kỳ đặc biệt. Trong khi cà phê Việt Nam phần lớn là cà phê Robusta. Trên thị trường vẫn có chênh lệch giá giữa Arabica và Robusta.
Khác với sản xuất cà phê thông thường. Việc liên kết chuỗi giữa những người sản xuất cà phê, các nhà rang xay, nhà làm thương mại cà phê đặc sản là khá minh bạch.
Trong định hướng phát triển cà phê đặc sản, Việt Nam định hướng phát triển song song cả cà phê Arabica và Robusta nhưng nghiêng về Robusta nhiều hơn do Việt Nam là cường quốc đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê này. Bên cạnh đó, do điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất, kinh nghiệm sản xuất, thị trường sản xuất, thị trường tiêu thụ chủ yếu của Việt Nam là Robusta.
Việc phát triển cà phê đặc sản của Việt Nam chưa lâu. Trong thời gian vừa qua, để cà phê có chất lượng tốt, chúng ta tập trung nhiều vào khâu thu hoạch và sau thu hoạch. Đây cũng là khâu yếu nhất của ngành cà phê Việt Nam.
Ông Lê Đức Huy - Tổng giám đốc Simexco Đắk Lắk nhận định: "Trong thời gian vừa qua, bà con nông dân đã rất nỗ lực để làm ra hạt cà phê đặc sản. Đây là cà phê ngon hơn và được sản xuất theo chuẩn rất khắt khe. Ngành cà phê đặc sản của Việt Nam rất mới cả về con người lẫn phương pháp chế biến. Do đó, chúng tôi nỗ lực mời các chuyên gia, mở các chương trình đào tạo cho bà con nông dân, rang xay, pha chế".
Việt Nam đang đi đúng hướng khi phát triển thương hiệu quốc gia là cà phê Robusta. Cà phê đặc sản được nhận định là đường dẫn của thương mại cà phê Việt Nam.
Chúng ta không thể một bước để trở thành người lớn. Thời gian xây dựng ngành hàng cà phê đặc sản Việt Nam mới có quãng thời gian dưới 10 năm, so với ngành cà phê đặc sản của thế giới chúng ta còn quá chập chững, do đó, cần phải tiếp tục nỗ lực hơn từng ngày. Trong đó, nhấn mạnh tính trách nhiệm trong liên kết hợp tác giữa các nhà để tạo ra thương hiệu cà phê Việt Nam.