Chứng khoán năm 2024: Đủ yếu tố hướng đến đà phục hồi tích cực
Xu hướng thị trường chứng khoán năm 2024 có gì mới? Đà tăng chưa có dấu hiệu đảo chiều, chuyên gia chứng khoán khuyến nghị gì? Những doanh nhân tuổi Thìn đình đám trên sàn chứng khoán |
Lập lại trật tự
Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023, theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) năm 2023 thị trường trải qua nhiều biến động và chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán quốc tế.
Trong đó, nửa đầu năm 2023 thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lạm phát dai dẳng cùng chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài và căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp.
Đến quý 3/2023, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Ngày 12/9/2023, chỉ số VN-Index đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, đóng cửa ở mức 1.245,44 điểm, tăng 24% so với cuối năm 2022.
Kết quả này đưa chứng khoán Việt Nam trở thành một trong các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản).
Tuy nhiên, vào cuối tháng 9, thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh giảm. Chỉ trong 2 tháng 9, 10 chỉ số VN-Index đã giảm tới gần 20%, cuối tháng 10, VN-Index chỉ còn tăng 2,1% so với cuối năm 2022. Thị trường có chuyển biến tích cực hơn vào 2 tháng cuối năm, kết thúc phiên cuối của năm 2023, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.129,93 điểm tăng 12,2% so với cuối năm 2022, trong khi HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng lần lượt 12,5% và 21,5%.
Năm 2023 chứng kiến xu hướng bán ròng của khối ngoại. Đây được xem là một trong những yếu tố khiến thị trường không đạt được tăng trưởng theo kỳ vọng bất chấp sự tăng lên đáng kể của giao dịch từ phía nhà đầu tư trong nước. Từ tháng 4 khối ngoại đã liên tiếp bán ròng đến hết năm, càng về cuối năm mức bán ròng càng mạnh.
Tính đến hết năm 2023, khối ngoại đã bán ròng hơn 17.594 tỷ đồng, trong đó riêng tháng 12 đã bán ròng tới 8.900 tỷ đồng, chiếm hơn 50% giá trị bán ròng luỹ kế cả năm. Điều này có nguy cơ dẫn đến mất thành quả mua ròng mà thị trường đã có được trong năm 2022 (28,7 nghìn tỷ đồng).
Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, có thể thấy, điểm sáng của thị trường chứng khoán trong năm qua chính là việc kiên quyết lập lại trật tự thị trường, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, đưa chủ thể thị trường vào khuôn khổ pháp lý, tuân thủ quy luật của thị trường.
Nhiều chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán năm 2024 trên đà phục hồi tích cực. Ảnh: baochinhphu.vn |
Quyết tâm nâng hạng thị trường
Theo ThS. Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi với các lực đỡ quan trọng.
Trong đó như việc kinh tế toàn cầu được dự bao tăng trưởng tích cực. Một số thị trường quan trọng với xuất, nhập khẩu của Việt Nam có những tín hiệu phục hồi.
Đặc biệt tại Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam) tăng trưởng 4,9% trong quý 3/2023, Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 1,3%. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết nâng cao hiệu quả hoạt động – cơ sở để tạo đà cho sự đi lên bền vững của thị trường chứng khoán.
Đồng thời, các nền kinh tế lớn đẩy mạnh triển khai các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế. Việc thực thi các chính sách này sẽ góp phần thúc đẩy đà phục hồi của kinh tế, tạo nền tảng cho thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển.
Thêm vào đó, kinh tế, tài chính Việt Nam được dự báo ổn định, tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn tới. Phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực.
Như, IMF (10/2023) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt hơn khi đạt 5,8%, 6,9%, 6,8% cho giai đoạn 2024-2026. Việt Nam đứng thứ 20 về tốc độ tăng trưởng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, lạm phát Việt Nam trong thời gian tới cũng được dự báo ổn định so với mục tiêu khoảng 4% (năm 2023, 2024, 2025 được dự báo ở mức 3,4%) khiến Chính phủ có thể chủ động dành nhiều nguồn lực cho thúc đẩy tăng trưởng.
Kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, tích cực, lạm phát được kiểm soát tạo môi trường cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam nâng cao hiệu quả hoạt động, niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước được củng cố.
Ngoài ra, ThS. Phạm Tiến Đạt cho rằng, quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán của Chính phủ là một trong những yếu tố quan trọng giúp thị trường phục hồi.
Cụ thể, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều hoạt động tích cực như: cải thiện điều kiện đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, vận hành thị trường. Đồng thời kết hợp chặt chẽ với các tổ chức xếp hạng quốc tế, hướng tới mục tiêu nâng hạng.
Ngày 13/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện 37 chỉ đạo quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất.
Còn theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, năm 2024 chứng khoán Việt Nam có cơ hội tăng trưởng tốt nhờ nền lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Dự báo năm 2024 VN-Index sẽ dao động quanh mục tiêu 1.387 điểm, tương ứng mức tăng trưởng 10%. Còn theo kịch bản khả quan hơn, mức tăng trưởng toàn thị trường từ 15% sẽ dẫn dắt VN-Index lên mức 1.450 điểm.