Những doanh nhân tuổi Thìn đình đám trên sàn chứng khoán
Trong tử vi phương Đông, Rồng là biểu tượng tham vọng và thống trị. Loài vật tưởng tượng này cũng linh thiêng và được kính trọng nhất trong số mười hai con giáp. Do đó, những người sinh vào năm Thìn cũng được cho rằng luôn tràn đầy năng lượng và sức mạnh, dễ đạt được giàu có và quyền lực...
2023 là năm khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến khó lường, bất ổn chính trị - xã hội, xảy ra hàng loạt các cuộc khủng hoảng kinh tế, năng lượng, lương thực và lạm phát tăng cao ở một số quốc gia lớn đã tác động xấu đến nước ta.
Tuy nhiên, giữa bức tranh ảm đạm, Việt Nam vẫn kiên cường đứng vững trước những áp lực đè nặng, nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương. Đặc biệt trong đó là sự đóng góp vô cùng quý báu của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nhằm khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, giúp đất nước vượt lên những khó khăn, thách thức lớn chưa từng có, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ về khát vọng xây dựng Tổ quốc phồn vinh, hạnh phúc.
Đây sẽ là nền tảng để Việt Nam có thể tự tin bước vào năm mới với những kỳ vọng lớn hơn về sự phục hồi của nền kinh tế trong năm Giáp Thìn 2024.
Nhân dịp đầu Xuân năm mới, Báo Công Thương xin điểm qua một số gương mặt doanh nhân Việt nổi bật sinh năm Thìn. Hy vọng rằng, những khó khăn, thách thức của năm qua chính là cơ hội hun đúc ý chí và tinh thần cho các doanh nhân càng thêm vững vàng, mạnh mẽ, tiếp tục đóng vai trò "xương sống" của nền kinh tế quốc gia!
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kinh Bắc |
Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Kinh Bắc
Ông Đặng Thành Tâm sinh năm 1964 (Giáp Thìn), là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Kinh Bắc - thương hiệu bất động sản khu công nghiệp hàng đầu cả nước.
Ông Tâm theo học chuyên ngành Kỹ sư Hàng hải, từng có thời gian tu nghiệp tại Anh Quốc, và có thời gian công tác tại Công ty Vận tải biển Sài Gòn. Năm 2007, ông trở thành người giàu nhất Việt Nam trên thị trường chứng khoán sau khi đưa hai thành viên thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Kinh Bắc niêm yết trên sàn giao dịch. Kể từ đó, ông Tâm ngày càng được giới kinh doanh trong và ngoài nước biết tới, nể phục.
Ở thời điểm đỉnh cao, ông Đặng Thành Tâm đã mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực như: Tài chính ngân hàng, viễn thông, năng lượng, khoáng sản… Bản thân ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên từ sau năm 2012, tình hình kinh doanh của ông Tâm không được thuận lợi, bắt đầu giảm sút...
Hiện, ông Tâm và gia đình sở hữu tỷ lệ lớn tại một số doanh nghiệp tiêu biểu trên sàn như Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), Công ty Cổ phần Công Nghệ Viễn Thông Sài Gòn (Saigontel, SGT)... Đây là những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất khu công nghiệp rộng lớn nhất cả nước.
Ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank |
Ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch LPBank
Sinh năm 1976, doanh nhân tuổi Bính Thìn Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) đã khẳng định được vị thế của mình trong cộng đồng kinh doanh và những người hâm mộ bóng đá trong và ngoài nước. Bầu Thuỵ là người sáng lập Tập đoàn Thaiholdings và hiện đang là Chủ tịch HĐQT LPBank.
Trước đó, năm 2007, bầu Thụy được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành - cơ nghiệp của nhà sáng lập Nguyễn Xuân Thành - thân phụ của ông. Với nền tảng tài chính dồi dào nhờ làm xi măng, bầu Thụy đã lấn sân sang khá nhiều lĩnh vực khác nhau như bóng đá, bất động sản, chứng khoán, ngân hàng...
Đáng chú ý, năm 2011, bầu Thụy mua lại suất thi đấu ở giải hạng Nhất của V&V Hòa Phát và đổi tên đội bóng này thành Câu lạc bộ Xi măng Sài Gòn Xuân Thành, và biệt danh ông bầu cũng bắt nguồn từ đó. Đến năm 2013, sau khi thành tích của Sài Gòn Xuân Thành ngày càng đi xuống cộng thêm sức ép tài chính, bầu Thụy quyết định giải tán câu lạc bộ này.
Dư luận còn biết đến bầu Thụy thông qua những thương vụ đình đám hàng nghìn tỷ đồng, chẳng hạn như đợt thâu tóm khu "đất vàng" khách sạn Kim Liên (Hà Nội), niêm yết cửa sau giữa Thaiholdings và Thaigroup, và mới đây là cú bắt tay với Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức)...
Năm 2021, bầu Thụy có bước tiến lớn trong lĩnh vực ngân hàng. Sau những lần thu gom cổ phiếu LPB, ông Nguyễn Đức Thụy được bầu làm Chủ tịch HĐQT của nhà băng, tiếp tục đưa tên tuổi của mình lên tầm cao mới.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Cơ điện lạnh |
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch Cơ điện lạnh REE
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh sinh ngày 25/12/1952, tuổi Nhâm Thìn, nguyên quán Trảng Bàng - Tây Ninh. Bà tốt nghiệp đại học tại Đức năm 1982, hiện bà đang giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh, doanh nghiệp niêm yết trên sàn với mã chứng khoán REE.
Sau khi về nước, năm 1982 - 1987, bà Mai Thanh trở thành Phó Giám đốc Công ty Cơ khí lạnh. Từ năm 1987 - 1993, bà được thăng chức lên làm Giám đốc Công ty Cơ điện lạnh, tiền thân của REE hôm nay.
Năm 1989 - 1992, bà Mai Thanh được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VIII. Từ năm 1993 đến nay, bà chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT REE. REE là doanh nghiệp có bề dày lịch sử, có thâm niên trên sàn chứng khoán và là đơn vị đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, vào năm 1997.
Dưới sự chèo lái của bà Mai Thanh, tổng tài sản của REE hiện phát triển lên tới 34.500 tỷ đồng, trong đó, hơn 20.500 tỷ đồng hình thành từ vốn chủ sở hữu, và chỉ 14.000 tỷ đồng đến từ nợ phải trả.
Về hoạt động kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, REE ghi nhận 6.505 tỷ đồng doanh thu và 2.144 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành lần lượt 59% và 79% kế hoạch cả năm.
Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Vicostone |
Ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Vicostone
Ông Hồ Xuân Năng sinh năm 1964 (Giáp Thìn) tại Nam Định, tốt nghiệp Đại học Bách khoa, bảo vệ luận án Tiến sĩ thành công và trở thành cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện Cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhưng sau đó, ông đã bước chân sang ngành kinh doanh, trở thành Giám đốc sản xuất Nhà máy ô tô Ford Việt Nam. Năm 1999, ông Năng gia nhập Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam - Vinaconex với vị trí là Thư ký Chủ tịch HĐQT.
Tại Vinaconex, ông Năng kinh qua nhiều vị trí từ Thư ký Chủ tịch HĐQT đến Giám đốc Công ty Đá ốp lát cao cấp Vinaconex. Năm 2007, ông Hồ Xuân Năng được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty này. Đây cũng là tiền thân của Vicostone sau khi doanh nghiệp này lên sàn và thực hiện cổ phần hóa hoàn toàn vào năm 2013.
Năm 2014, ông Hồ Xuân Năng được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vicostone (VCS), chính thức trở thành ông chủ của một trong những doanh nghiệp có quy mô hàng đầu trên thị trường chứng khoán.
Vicostone sở hữu hệ thống các đại lý phân phối trên toàn cầu, sản phẩm của Vicostone đã hiện diện tại khắp các châu lục, cung cấp ra thị trường hàng triệu m2 mỗi năm và là một trong những nhà sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh hàng đầu trên thế giới hiện nay. Trong đó, 3 thị trường khắt khe bậc nhất thế giới là Bắc Mỹ, châu Úc, châu Âu là những thị trường mang lại doanh thu chính cho Vicostone.