Bộ trưởng Công Thương đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nửa cuối năm 2023
Bộ Công Thương liên tiếp ra 2 văn bản "nóng" gỡ khó điện gió, điện mặt trời Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu |
Hàng loạt giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2023 đã được trưởng ngành Công Thương nêu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023.
Bộ trưởng Công Thương đề xuất cần khẩn trương triển khai các chính sách tài khóa tiền tệ, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. |
Chịu tác động nặng nề từ suy giảm nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn, xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta gặp nhiều khó khăn từ quý IV/2022 đến nay.
Số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa mới đạt 316,6 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%.
Xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI.
Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa sang tất cả các thị trường lớn đều giảm. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 44,2 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ, Trung Quốc đạt 25,6 tỷ USD, giảm 2,2%, xuất khẩu sang EU đạt 21,6 tỷ USD, giảm 10,1%, sang Nhật Bản đạt 11 tỷ USD, giảm 3,3%, sang Asean đạt 16,3 tỷ USD, giảm 8,7%, Hàn Quốc 10,9 tỷ USD, giảm 10,2%,
Để khắc phục tình trạng sụt giảm đơn hàng, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất, cần khẩn trương triển khai các chính sách tài khóa tiền tệ, cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.
"Hiện, nhiều thị trường xuất khẩu lớn của nước ta như EU, Mỹ... chưa phục hồi, Bộ khuyến cáo doanh nghiệp ưu tiên chuyển hướng khai thác các thị trường mới nổi, thị trường có tiềm năng (như các nước Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ La tinh, Nam Á…)", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng đó là tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; cảnh báo các “rào cản” mới của đối tác và các vụ việc phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước có phản ứng chính sách phù hợp.
Chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại; thúc đẩy thương mại điện tử, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khai thác ưu đãi của các FTA mà Việt Nam là thành viên.
Đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các FTA mới với các nước, khu vực còn tiềm năng, như: Israel, sớm kết thúc đàm phán trong quý 4/2023 với UEA, Mercosur… để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI để xuất khẩu qua hệ thống phân phối của các chuỗi cung ứng này ra thị trường thế giới.
Chủ động làm việc với đối tác, tận dụng các cơ chế hợp tác song phương, Ủy ban Liên Chính phủ để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thủ tục, mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam.
Bên cạnh các giải pháp phát triển thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tiếp tục thúc đẩy sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, như: tập trung giải quyết các vướng mắc về vốn, cơ chế, chính sách như kiến nghị của các địa phương với các Đoàn công tác của Chính phủ.
Năm ngoái, xuất khẩu cả nước đạt trên 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với 2021, mục tiêu xuất khẩu mà ngành Công thương đặt ra cho cả năm nay ở mức 6%. Mức tăng trưởng này ngày càng ghập ghềnh hơn vì tình hình thị trường không thuận lợi.