Bộ Công Thương trợ sức cho xuất khẩu thực phẩm chế biến
Giao thương trực tuyến thực phẩm chế biến Việt Nam – Nhật Bản 2022 Xuất khẩu thực phẩm chế biến vào Campuchia: Không "lợi dụng" thị trường dễ tính |
Theo ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, các mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều ngành hàng đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. “Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành chế biến thực phẩm còn rất nhiều dự địa, tiềm năng để phát triển”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Tại thị trường Australia, ông Nguyễn Phú Hoà- Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia - cho hay, tại các siêu thị, hệ thống phân phối trên thị trường này đã xuất hiện mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam. Trong đó, tôm, cá tra, cá basa là những mặt hàng có dấu ấn lớn trên thị trường. “Cơ quan thương vụ đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Australia thực hiện chuỗi sự kiện xây dựng thương hiệu tôm ở những sự kiện lớn tại Australia”, ông Nguyễn Phú Hòa nói.
Bộ Công Thương trợ sức cho xuất khẩu thực phẩm chế biến |
Tương tự tại thị trường Hàn Quốc, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, thực phẩm chế biến chiếm tỷ trọng khá cao trong nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Sự gia tăng nhanh chóng của cộng đồng người Việt, cùng nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, nông sản, thực phẩm Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản tin dùng. “Người dân Nhật Bản có mong muốn mua nguyên liệu thực phẩm Việt để chế biến món ăn trong gia đình”, ông Tạ Đức Minh - Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản - cho hay.
Dù đã có thị phần, có sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nhưng theo ông Vũ Bá Phú, các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam phần nhiều vẫn xuất khẩu chủ yếu sản phẩm thô và qua đường tiểu ngạch. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam vẫn đang phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, châu Á hay của chính khách hàng lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là Trung Quốc.
Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ hạt điều hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Những thay đổi hành vi tiêu dùng, đặc biệt là xu hướng ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ.
“Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và phát triển”, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại nhận định.
Trước hiện trạng trên, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại trong và ngoài nước triển khai các hoạt động nhằm duy trì thị trường truyền thống và mở thị trường xuất khẩu mới.
Đơn cử, từ đầu năm tới nay, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức đón đoàn và kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Trung Quốc, Philippines; đưa doanh nghiệp Việt Nam tham dự các hội chợ triển lãm chuyên ngành lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực xúc tiến thị trường tiêu thụ, đại diện Thương vụ Việt Nam ở nhiều thị trường nước ngoài đồng tình khuyến cáo, doanh nghiệp trong nước cần nghiên cứu và nắm rõ xu hướng và đặc điểm tiêu dùng tại từng thị trường.
Với Hàn Quốc, thị trường đang nổi lên 4 xu hướng rõ nét: Ưa chuộng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình với các sản phẩm ăn liền, dễ nấu, dễ ăn; sự lên ngôi của sản phẩm tốt cho sức khoẻ, tăng sức đề kháng như sản phẩm organic; bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa và những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định, quy trình kiểm dịch; mô hình quản trị ESG trong quy trình sản xuất.
Thị trường Australia đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn về chất lượng thực phẩm và yêu cầu ghi nhãn được quy định chặt chẽ trong các văn bản pháp luật. Bao bì chú trọng đến yếu tố thân thiện môi trường, xuất xứ hàng hoá rất được quan tâm, phải được ghi rõ và kẻ ô nổi bật để dễ dàng nhận diện.
Khối thị trường hồi giáo như Algeria, Indonesia, tiêu chuẩn Halal là bắt buộc đối với thực phẩm chế biến. Cùng đó là những lưu ý xung quanh vấn đề chào giá, cách tiếp xúc với đối tác và phương thức thanh toán an toàn.
Để giúp thuận lợi giới thiệu quảng bá sản phẩm Việt Nam, đại diện nhiều Thương vụ Việt Nam tại ở nước ngoài đề nghị bên cạnh việc gửi sản phẩm tới phòng trưng bày sản phẩm của các thương vụ, doanh nghiệp trong nước tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm gia tăng cơ hội tìm kiếm đối tác, tìm hiểu thị trường.