Xuất khẩu thực phẩm chế biến vào Campuchia: Không "lợi dụng" thị trường dễ tính
Sắp diễn ra Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Campuchia | |
Thực phẩm chế biến của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai |
Công nghiệp chế biến chưa phát triển
Thực phẩm chế biến của Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Campuchia cho dù mặt hàng này của hai nước có nhiều điểm tương đồng, đó là nhận định của ông Phan Văn Trường – Bí thư thứ nhất, Phụ trách thương vụ Việt Nam tại Campuchia. Nguyên do được ông Trường lý giải, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nông sản của quốc gia này chưa phát triển, hiện mới chế biến được khoảng 10% nguyên liệu sản xuất trong nước. Nông sản Campuchia hầu hết được xuất khẩu dưới dạng thô.
Hiện Campuchia chỉ có một số doanh nghiệp chế biến, trong đó có một doanh nghiệp chế biến nông sản lớn nhất, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Doanh nghiệp này vừa sản xuất thức ăn gia súc, nuôi trồng và chế biến các sản phẩm, đồng thời có mạng lưới phân phối tại hầu hết các tỉnh của Campuchia. Ngoài ra, Campuchia mới chỉ có một vài nhà máy chế biến thực phẩm từ chuối, một nhà máy chế biến hồ tiêu, một máy sản xuất đường.
“Nói tóm lại, ngành công nghiệp chế biến tại Campuchia chưa phát triển. Nguyên nhân một phần do tay nghề công nhân của Campuchia chưa cao. Vùng nguyên liệu chưa được quy hoạch và phổ biến trồng rải rác nên việc huy động nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gặp khó khăn”, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Campuchia nói.
Chi phí về logistic tại Campuchia khá cao cũng gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp đầu tư và chế biến thực phẩm. Chính vì thế, Campuchia chủ yếu nhập khẩu mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến để đáp ứng tiêu dùng nội địa.
Theo số liệu thống kê, năm 2021 Campuchia nhập khẩu 200 triệu USD thuốc lá, 4,5 triệu USD bia, 4,8 triệu USD đồ uống có cồn, 244 triệu USD nước ngọt, 40 triệu USD đường, 17,7 triệu USD dầu ăn…
Doanh nghiệp Việt Nam được khuyến cáo không nên lợi dụng các quy định còn đơn giản tại Campuchia trong xuất khẩu thực phẩm |
Về hệ thống phân phối của Campuchia, theo đại diện Thương vụ Việt Nam cũng cho biết, còn khá sơ khai. Nhiều mặt hàng nhỏ lẻ được nhập khẩu và phân phối qua các chợ đầu mối, nhất là nhóm hàng nông sản, thủy sản, các nhà nhập khẩu cũng chưa tập trung.
Đa phần người dân Campuchia vẫn mua thực phẩm tại các chợ bán lẻ và được phân phối từ các chợ đầu mối. Thực phẩm và thực phẩm chế biến đã được tiêu thụ tại các siêu thị nhưng vẫn dành cho tầng lớp có thu nhập khá.
Cập nhật nhanh thay đổi về chính sách
Mặt khác, chính sách xuất nhập khẩu của Capuchia chưa được định hình chi tiết và có rất nhiều thay đổi. Giao thương giữa Campuchia và Việt Nam phần lớn thực hiện qua đường tiểu ngạch ở khu vực biên giới, xuất nhập khẩu theo tập quán và hoạt động kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm thường chỉ được áp dụng tại một vài cửa khẩu trung tâm. Ngoài ra, phía Campuchia cũng thường thành lập nhóm công tác để kiểm tra đột xuất các cửa khẩu nhỏ lẻ, thậm chí có thể đặt các trạm soát trên đường.
Việc kiểm tra mặt hàng nông sản thực phẩm cũng như mặt hàng chế biến nhập khẩu vào Campuchia được thực hiện một cách chưa nhất quán và có thể tùy các cửa khẩu khác nhau. Cho nên việc thực hiện các quy định của Campuchia không chính quy và chưa nhất quán, doanh nghiệp cần lưu ý đặc điểm này để có giải pháp thích hợp.
“Các doanh nghiệp cũng không nên dựa vào sự dễ dãi trong công tác kiểm tra của Campuchia mà không thực hiện nghiêm túc quy định của nước sở tại. Bởi vì khi có vấn đề phát sinh, cơ quan hải quan Campuchia kiểm tra và giữ hàng nông sản ở cửa khẩu gây ùn ứ và hư hỏng cho hàng hoá, nhất là hàng tươi sống”, ông Trường khuyến cáo.
Thương nhân Campuchia làm ăn khá nghiêm túc, tuy nhiên môi trường cạnh tranh chưa hoàn chỉnh, nhiều xáo trộn cho nên sẽ có trường hợp làm việc không chuẩn tắc, xảy ra trục trặc ảnh hưởng nhà xuất khẩu của Việt Nam.
Quy định về an toàn thực phẩm của Campuchia cũng không cao. Các tiêu chuẩn cơ bản đồng nhất với các quy định của ViệtNam, thậm chí có thể thấp hơn nên không khó khăn trong thực hiện. “Tôi thấy rằng các mặt hàng nông sản, thực phẩm của chúng ta hầu hết có thể vào được Campuchia mà không e ngại tiêu chuẩn cao của bạn”, ông Trường một lần nữa khẳng định.
Với kinh nghiệm nhiều năm nhập khẩu hàng Việt và phân phối tại thị trường Campuchia, đại diện 1 doanh nghiệp cho biết: Có ba vấn đề khó khăn về thủ tục thông quan qua các cửa khẩu, doanh nghiệp cần được hỗ trợ giải quyết. Đầu tiên, doanh nghiệp thường xuyên gặp tình trạng bị lỗi trong thực hiện các thủ tục, không đồng nhất giữa việc đăng ký mã hàng hoá và thời gian thông quan. Điều này đề nghị phía Tổng cục hải quan Việt Nam hỗ trợ cho doanh nghiệp cập nhật thông tin đầy đủ và các phương thức thực hiện.
Thứ hai, thời gian thông quan cần rút ngắn lại và cần quy định làm việc từ 8h- 17h. Đã có thời điểm, hải quan Việt Nam chỉ cho thông quan từ 1-3 giờ mỗi ngày doanh nghiệp không thể đảm bảo được chi phí quản lý, thất thu, nhất là không đảm bảo được thời gian hoàn thành đơn hàng.
Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam khi làm thủ tục thông quan cần nhất quán không thể có khác biệt bởi khi hệ thống hải quan cập nhật không khớp không đẩy nhanh được tiến độ thông quan.