6 giải pháp phát triển kinh tế sáng tạo tại Việt Nam
Phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam: Mấu chốt lại vẫn là cách tiếp cận Bảo vệ thương hiệu góp phần phát triển kinh tế sáng tạo Ra mắt Quỹ Vẻ đẹp điện ảnh - Kinh tế sáng tạo đầu tiên tại Việt Nam |
Đây là giải pháp được coi là hàng đầu để phát triển kinh tế sáng tạo tại Việt Nam theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố tại Hà Nội ngày 26/4/2024.
Báo cáo “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam” là báo cáo đầu tiên đưa ra cách tiếp cận toàn diện, gắn cơ sở khoa học với kinh nghiệm quốc tế và cách tư duy chính sách thực tiễn nhằm phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam.
Lần đầu tiên Việt Nam có được báo cáo toàn diện về phát triển kinh tế sáng tạo |
Việt Nam đã bước đầu có nỗ lực tiếp cận các ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo. Thống kê của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển - UNCTAD cho thấy Việt Nam đã xuất khẩu không ít hàng hóa sáng tạo. Trong giai đoạn từ 2002 - 2020, thương mại hàng hoá sáng tạo của Việt Nam có xu hướng tăng hàng năm với tốc độ 9,23% và hiện Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nhà xuất khẩu hàng hoá sáng tạo lớn nhất thế giới.
Xét theo công nghiệp và dịch vụ sáng tạo, thiết kế là ngành xuất khẩu nhiều nhất trong giai đoạn nói trên, đạt hơn 11,9 tỷ USD, tương đương 84,36% tổng xuất khẩu hàng hoá sáng tạo của Việt Nam.
Theo Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi mô hình tăng trưởng truyền thống dựa trên gia tăng vốn, lao động phổ thông, đất đai, tài nguyên thiên nhiên đã chạm ngưỡng giới hạn. Trong bối cảnh ấy, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới, cả về tư duy, cách làm và mô hình để “sáng tạo” ra những không gian mới cho tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của cả các nước phát triển và các nước đang phát triển trong phát triển kinh tế sáng tạo, cụ thể trên các khía cạnh như tiếp cận phát triển kinh tế sáng tạo dựa trên nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của mô hình kinh tế này, coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển kinh tế sáng tạo, thúc đẩy các điển hình tốt, hoàn thiện cơ sở lý luận và hệ thống thông tin về đo lường kinh tế sáng tạo, thu hút tài năng gắn với phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo phục vụ kinh tế sáng tạo và phát triển các mạng lưới, cụm công nghiệp sáng tạo.
Báo cáo của CIEM đã phân tích về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam. Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, các điểm mạnh của Việt Nam bao gồm: Di sản văn hóa phong phú và đa dạng; dân số trẻ, năng động và thành thạo công nghệ; những thay đổi chính sách tích cực đối với các mô hình kinh tế mới.
Các điểm yếu bao gồm: Hạn chế cố hữu về nguồn vốn, đặc biệt là trong các lĩnh vực sáng tạo truyền thống; thiếu nhiều kỹ năng liên quan đến kinh tế sáng tạo ở không ít nhóm chủ thể sáng tạo (đặc biệt là người trung niên và người cao tuổi, phụ nữ, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...); những bất cập về kết cấu hạ tầng “cứng” và “mềm” cho phát triển kinh tế sáng tạo.
Báo cáo đưa ra các khuyến nghị nhằm phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian tới. Thứ nhất, Việt Nam cần hoàn thiện khung chính sách vững chắc để nuôi dưỡng kinh tế sáng tạo, gắn với tạo không gian, động lực và sự yên tâm cho các chủ thể sáng tạo. Thứ hai, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ số. Thứ ba, tăng cường phát triển giáo dục và đào tạo kỹ năng. Thứ tư, thúc đẩy hợp tác và kết nối. Thứ năm, tiếp tục phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm sáng tạo của Việt Nam. Thứ sáu, tăng cường tính bền vững và trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp liên quan tới sáng tạo.
Đóng góp ý kiến cho báo cáo của CIEM, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có những cơ hội quan trọng cho phát triển kinh tế sáng tạo, nhờ chuyển đổi số, sự phục hồi và vươn lên mạnh mẽ của ngành du lịch, thị trường trong nước có quy mô tương đối lớn và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam phải xử lý những thách thức liên quan đến cạnh tranh từ thị trường quốc tế, khả năng thích ứng trước tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ và sức ỳ của thể chế.