Phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam: Mấu chốt lại vẫn là cách tiếp cận
Thủ tướng nhắn nhủ thế hệ trẻ "dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo" Sản phẩm “Make in Vietnam” - Luồng gió mới thúc đẩy sức sáng tạo Hà Nội ghi dấu ấn thành phố đổi mới sáng tạo |
Cần sớm đi đến thống nhất trong các phương cách tiếp cận với kinh tế sáng tạo để mô hình này không còn luôn “mới” cũng như đưa Việt Nam vào hàng ngũ các nền kinh tế sáng tạo phát triển nhanh của thế giới.
Chia sẻ tại hội thảo về phát triển kinh tế sáng tạo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội ngày 12/3, nhiều chuyên gia đồng ý rằng, theo đó thách thức chủ yếu trong phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam đến từ việc chưa có khái niệm cụ thể về kinh tế sáng tạo phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Cùng đó còn có những cách hiểu khác nhau về kinh tế sáng tạo, thậm chí thiếu sự phân định rạch ròi với đổi mới sáng tạo.
Quang cảnh hội thảo |
Không những vậy, Việt Nam gặp phải tình trạng thiếu các dữ liệu cập nhật, thường xuyên và chi tiết để phân tích các nội dung liên quan đến kinh tế sáng tạo.
Rõ ràng, tư duy và những cách tiếp cận phù hợp để phát triển kinh tế sáng tạo là những khoảng trống cần nhanh chóng được lấp đi để như Viện trưởng CIEM, TS Trần Thị Hồng Minh nhìn nhận, tư duy về kinh tế sáng tạo giúp hoàn thiện chính sách để các ý tưởng sáng tạo có đủ điều kiện, chu trình từ hình thành, sản xuất, cung ứng, phân phối và kể cả xuất khẩu. Từ đó, mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế, lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và thu nhập cao hơn cho người lao động.
Là người có điều kiện tiếp cận các mô hình kinh tế sáng tạo khá sớm, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành nhìn nhận, phát triển kinh tế sáng tạo gắn với dấu ấn của cá nhân. Từ cách nhìn nhận này, TS. Thành đặt vấn đề, chính sách, pháp luật của Việt Nam sẽ làm gì để có thể "chạm" tới từng cá nhân, tạo điều kiện cao nhất cho các ý tưởng sáng tạo của từng cá nhân.
TS. Thành cũng cho rằng, kinh tế sáng tạo tạo có sự giao thoa của nhiều lĩnh vực, vậy đứng từ góc độ quản lý, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành quản lý cần được chỉ ra cụ thể.
“Việt Nam có cần đến một cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế sáng tạo hay không?”, TS. Thành đặt vấn đề.
Trong khi đó PGS TS. Nguyễn Thường Lạng cho rằng, phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam cần trả lời cho được 3 câu hỏi: Sáng tạo gì? Sáng tạo như thế nào? Sáng tạo cho ai?
Chuyên gia này cũng cho rằng, giá trị kinh tế sáng tạo tạo giá trị gia tăng lớn và không hoàn toàn giống với giá trị gia tăng thông thường như tạo giá trị gia tăng trong GDP, nó liên quan đến các sản phẩm có tính sáng tạo như sản phẩm văn hoá, phát minh công nghệ, sáng tạo phương thức vận hành, công cụ và phương pháp mới, độc đáo, tạo thay đổi bất ngờ thậm chí cơ cấu và giá trị ngành công nghiệp, cơ cấu thị trường, rộng hơn là cơ cấu kinh tế.
Phát triển kinh tế sáng tạo sẽ tạo khả năng khai thác tiềm năng hiện có và tối đa hoá tiềm năng, thậm chí mở rộng tiềm năng ra ngoài giới hạn hiện tại. Điều đó cần tầm nhìn mới, mô hình mới và chuyển đổi mạnh tư duy, dựa vào nền tảng đổi mới sáng tạo đang hình thành và đầu tư nghiên cứu phát triển đang tăng lên.
TS Lạng cũng nhấn mạnh là cần tăng cường vai trò của cơ quan bảo hộ sở hữu trí tuệ và mở rộng mức độ ảnh hưởng. Tầm quốc gia cần có Chiến lược phát triển kinh tế sáng tạo giai đoạn 2025 - 2035 tầm nhìn 2050. Đây là chỗ dựa để tích hợp và khơi nguồn sáng tạo để nguồn lực sáng tạo được “kinh tế hoá”, “giá trị hoá” thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển đột phá.
“Theo cách xem xét đó, kinh tế sáng tạo gắn với sở hữu trí tuệ và khai thác tài sản trí tuệ liên tục và quy mô ngày càng tăng. Hầu hết các lĩnh vực có khả năng sáng tạo cao được thị trường chấp thuận và trả giá cao và rất cao đều có thể trở thành lĩnh vực kinh tế sáng tạo”, ông Lạng nói.
Chia sẻ ý kiến của TS Lạng về việc phát triển kinh tế sáng tạo cần phải gắn với sở hữu trí tuệ, bà Nguyễn Thị Hoàng Hạnh (Bộ KH&CN) cho rằng, sở hữu trí tuệ chính là năng lượng cho kinh tế sáng tạo thậm chí là xương sống, là huyết mạch. Theo đó cần phát huy tiềm năng sở hữu trí tuệ như một công cụ đắc lực cho phát triển kinh tế sáng tạo.
Muốn vậy theo bà Hạnh, Việt Nam cần chuyển từ nước sử dụng tài sản trí tuệ sang là nước tạo ra tài sản trí tuệ trong quá trình phát triển kinh tế sáng tạo. Sáng tạo là quá trình không ngừng nên có lúc cần đến sự quyết đoán bởi công nghệ khó có thể chờ pháp luật.