Bảo vệ thương hiệu góp phần phát triển kinh tế sáng tạo
Giải “bài toán” thương hiệu cho sản phẩm đồ gỗ, nội thất Việt Nam Dư địa lớn cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt tại thị trường EU Xây dựng thương hiệu: Khoảng trống ở doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Thị trường Việt Nam đang ngày càng xuất hiện nhiều thương hiệu sản phẩm được tạo ra bởi trí tuệ, lao động của chính người Việt Nam. Không những vậy, các thương hiệu này còn vươn ra các thị trường xa, thậm chí là được vinh danh trên thế giới.
Một trong những mặt hàng như thế là loại gạo “ông Cua” mang thương hiệu ST25. Được vinh danh ở thị trường thế giới, được chào đón tại thị trường nội địa, thiết nghĩ đó là phần thưởng vô giá với bất cứ thương hiệu nào.
Gạo - một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta,cần kịp thời xây dựng thương hiệu quốc gia. Ảnh minh họa |
Nhưng "cuộc chơi" thị trường chưa bao giờ dễ dàng. Cũng như nhiều thương hiệu hàng hoá khác, thương hiệu gạo ST25 mới đây cũng bị “vấy bẩn” bởi những “người anh em” mang hình hài dáng vẻ y chang trong khi chất lượng thua xa. Không những vậy, thương hiệu gạo này còn bị mang tiếng rằng, cốt sao có được cái thương hiệu để bán hàng trong khi chất lượng hàng hoá ngày một "chuội" dần đi.
Người tiêu dùng bức xúc một thì hẳn là ông Hồ Quang Cua bức xúc gấp nhiều lần hơn thế dẫu chính ông từng xác định sẵn tâm thế đương đầu với hàng giả, hàng nhái sản phẩm mà ông và bạn bè đã bỏ nhiều năm tháng cuộc đời mới tạo ra được, mới có được một chỗ đứng trên thị trường và trong sự yêu mến, tin tưởng của người tiêu dùng.
Câu chuyện như đã xảy ra với gạo ST25 chỉ là một trong số không ít chuyện xảy ra với nhiều thương hiệu Việt, chắc chắn là như thế.
Liệu có thể tự “ru” lòng mình rằng, thôi thì hàng giả, hàng nhái ở đâu mà chả có, ngay cả các nền kinh tế phát triển, phương tiện kiểm tra kiểm soát đăng ký hiện đại cũng bị hàng giả “liên thủ” làm cho thị trường liểng xiểng.
Thế nhưng nếu bằng lòng với kiểu “tự ru” như thế thì thật là nguy hiểm và khác nào tiếp tay cho hàng giả xâm lấn hàng thật, thương hiệu giả bóp chết thương hiệu thật, xa hơn là đẩy lùi sản xuất và khiến doanh nghiệp tính ngày ngậm ngùi rời bỏ thị trường.
Rõ ràng là việc bảo vệ tác quyền, bảo vệ thương hiệu phải là một cuộc chiến không ngừng nghỉ khi mà ông cha ta đã từng cảnh báo “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi thì nỗ lực bảo vệ thương hiệu, quyền sở hữu sản phẩm không chỉ nỗ lực "tay không bắt giặc" là xong mà cũng còn cần bắt kịp và thậm chí là phải chủ động có sự hiệu quả hơn bằng các công cụ, phương tiện hiện đại.
Nhân dịp Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4) xin được bàn câu chuyện rộng ra một chút. Đó là việc “soái ca” của thương hiệu Apple là Tim Cook vừa thân chinh sang Việt Nam trong một chuyến đi 2 ngày. Bối cảnh chuyến đi này với Tim Cook ra sao mà người đứng đầu một thương hiệu có vốn hoá hàng nghìn tỷ USD sang Việt Nam chắc chỉ có mình ông hiểu.
Có thể nó không nằm ngoài việc thương hiệu của Apple hiện đang tạm thời tụt xuống hàng thứ ba về doanh thu tại một số thị trường châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Nhưng đó là bối cảnh nhỏ trong một bối cảnh lớn mà riêng với Tim Cook, là nhìn thấy ở thị trường Việt Nam những cơ hội mới cho việc mở rộng thị trường cho Apple cùng việc tạo dựng những chân rết mới cho chuỗi cung ứng. Với một người luôn tìm ra cách truyền cảm hứng cho thương hiệu Apple, nếu tìm được cơ hội để thúc đẩy thương hiệu, Tim Cook không sá gì chuyện đường xa.
Việt Nam là nước đang phát triển một nền kinh tế sáng tạo với nhiều tiềm năng được ghi nhận. Tuy nhiên một điểm yếu lâu nay là việc bảo vệ quyền sở hữu sản phẩm, thương hiệu còn rất nhiều việc phải làm trong khi đây lại là điều kiện tiên quyết để có được nền kinh tế sáng tạo thực sự. Công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã có nhiều văn bản, nhiều cam kết tham gia mang tính khá đầy đủ thì việc thực thi các quyền này chưa được coi trọng đúng mức cả ở các cơ quan chức năng lẫn những người thụ hưởng giá trị gia tăng của sản phẩm, thương hiệu.
Vẫn còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa, nỗ lực thường xuyên để các sản phẩm, thương hiệu chân chính có cơ hội sống trọn vòng đời cũng như phục vụ trọn vẹn cho người tiêu dùng.