Xử lý vi phạm nồng độ cồn - nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên liên tục năm 2024
Xử lý vi phạm nồng độ cồn là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trong năm vừa qua, năm 2024 và cả những năm tiếp theo. Nhằm làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền Điều tra giải quyết tai nạn giao thông Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) .
Đại tá Nguyễn Quang Nhật |
Thưa Đại tá Nguyễn Quang Nhật, ông đánh giá như thế nào về chiến dịch xử lý vi phạm nồng độ cồn trong thời gian qua?
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, ngay từ đầu năm 2023, từ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT đã kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn để tạo cho người tham gia giao thông có thói quen đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện, đây là mục đích cao nhất.
Chúng ta cần nhìn nhận thấy, những vụ tai nạn giao thông nguyên nhân chính là do rượu bia gây ra. Khi sử dụng rượu bia, người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, không làm chủ được tốc độ, không đi đúng làn đường phần đường theo quy định, bất tuân các quy tắc giao thông,… dẫn đến gây tai nạn giao thông.
Có thể đánh giá, thói quen sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông của người Việt Nam đã tồn tại từ rất lâu. Vui, buồn hay trong các ngày lễ, tết,… cũng uống rượu, bia. Đáng nói, thói quen ở đây là khi đến hàng quán, nơi uống rượu, bia thì đi phương tiện cá nhân, sau đó lại dùng chính phương tiện cá nhân để đi về nhà, hoặc đi công việc. Thói quen đó dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn.
Trong năm qua, cụm từ "Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm nồng độ cồn" chiếm lĩnh trên khắp các nền tảng mạng xã hội, liệu đây có phải là tín hiệu lan tỏa tích cực trong cộng đồng không, thưa ông?
Tôi rất đồng tình với ý kiến này, để có những tín hiệu tích cực đó, trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, CSGT đã làm được rất nhiều việc, đã tham mưu cho Bộ Công an và Bộ tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 23, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 10 về việc tặng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới với việc kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Đặc biệt Chỉ thị 10 ngoài việc xử lý vi phạm về rượu bia còn chỉ đạo các tỉnh ủy, thành ủy là có những chỉ đạo nghiêm cấm không can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông; cán bộ công chức, đảng viên khi uống rượu bia là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Khi phát hiện vi phạm ngoài việc xử lý hành chính còn xác minh để gửi thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định của Đảng, Công chức, viên chức. CSGT các tỉnh thành phố cũng tham mưu cho Công an tỉnh, tỉnh ủy, thành ủy có các chỉ đạo về việc gương mẫu, đi đầu không can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông và không uống rượu bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Xin ông cho biết, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã đạt được những kết quả như thế nào trong năm 2023?
Năm 2023 lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) theo chỉ đạo của Bộ. Cụ thể: Đã xử lý 3.403.625 trường hợp vi phạm, phạt tiền 6.576.166 triệu đồng, tước 664.197 GPLX, tạm giữ 1.070.534 phương tiện các loại. Trong đó xử lý vi phạm về nồng độ cồn là 770.679 trường hợp tăng 462.028 trường hợp so với năm 2022.
Người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy là 2.935 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 74.997 trường hợp; chở quá tải trọng hàng hóa 101.437 trường hợp; chạy quá tốc độ cho phép 663.022 trường hợp; tránh vượt sai quy định 10.676 trường hợp; không đội mũ bảo hiểm 424.979 tường hợp...
Kéo theo đó, tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia cũng đã giảm so với cùng kỳ năm 2022, về số vụ giảm 26% số người chết, cụ thể là 814 vụ, làm chết 400 người, bị thương 619 người.
Xử lý vi phạm nồng độ cồn thường xuyên, liên tục, không có ngày nghỉ, không có vùng cấm, không ngoại lệ và đã "đi vào bữa cơm của mỗi gia đình" - Đại tá Nguyễn Quang Nhật |
Ông có thể chia sẻ thêm về kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn khi Bộ Công an ra quân kết hợp với các địa phương trong thời gia gần đây?
Chỉ tính từ ngày 30/8/2023 đến ngày 15/10/2023 các Tổ công tác của Bộ Công an đã triển khai ở 58 địa phương: Phối hợp với Phòng CSGT, Công an cấp huyện thuộc các Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung kiểm soát, phát hiện, xử lý chuyên đề người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn trên địa bàn Tỉnh, thành phố.
Kết quả đã trực tiếp kiểm soát 197.932 phương tiện (96.990 xe ô tô, 100.942 xe mô tô và xe máy điện, xe 3 bánh). Phát hiện và bàn giao cho địa phương xử lý 6.391 trường hợp vi phạm, (1.202 xe ô tô, 5.160 xe mô tô, 28 xe máy điện, 01 xe ba bánh).
Trong đó: 6.119 trường hợp (1.129 ô tô, 4.963 mô tô, 26 xe máy điện, 01 xe ba bánh) vi phạm về nồng độ cồn, 46 trường hợp (12 ô tô, 33 mô tô, 01 xe máy điện) không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, 32 trường hợp người điều khiển phương tiện trong cơ thể có chất ma túy, 12 trường hợp vi phạm về tải trọng và kích thước hàng hóa, 187 trường hợp vi phạm khác (Số trường hợp ô tô vi phạm nồng độ cồn 1.129).
Đáng chú ý, qua xác minh ban đầu ghi nhận có 255 trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, đảng viên...
Thưa ông, trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn lực lượng CSGT có gặp trở ngại gì không?
Khi trong cơ thể người có hơi men tinh thần rất dễ bị kích động, hay phát sinh những hành vi phản kháng, không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng. Hoặc có rất nhiều vụ việc chống đối người thi hành công vụ xảy ra. Ví dụ như Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Trung Dũng (SN 1986, trú tại xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) để điều tra về hành vi "Chống người thi hành công vụ". Phạm Trung Dũng còn gọi là Dũng Salom, không chấp hành yêu cầu đo nồng độ cồn, mà yêu cầu kiểm tra giấy tờ của tổ công tác, kiểm tra máy đo nồng độ cồn... quay clip phát trên mạng xã hội gây nhiều dư luận trái chiều.
Nhiều trường hợp không chỉ đòi kiểm tra kế hoạch xử lý vi phạm nồng độ cồn mà đòi hỏi kiểm tra tem kiểm định trên máy đo cồn, rồi đủ chiêu trò gây cản trở,... Đó là những cái gây khó dễ cho lực lượng trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Nhưng phải phân biệt rõ như thế nào là kiểm tra, như thế nào là giám sát. Người dân thì có quyền giám sát, còn kiểm tra phải là những người có thẩm quyền.
Kế hoạch xử lý vi phạm nồng độ cồn trong năm 2024 sẽ có gì thay đổi để chuyển biến tích cực hơn, thưa ông ?
Với bài học kinh nghiệm từ năm 2022, năm 2023, thì lực lượng CSGT trong năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì kết quả, duy trì nền nếp là xử lý kiên quyết, rốt ráo, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngày nghỉ. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn cho đến khi nào tạo thành thói quen, không chỉ năm 2024 và thời gian tiếp theo nữa. Nói ở đây không phải chúng tôi đặt nặng vấn đề xử phạt, mà phải làm sao kiểm tra, kiểm soát để tạo cho người dân thói quen đã sử dụng rượu bia thì không lái xe.
Hiện kiểm tra hàng trăm trường hợp mới phát hiện 1 đến 2 trường hợp vi phạm, tỷ lệ đã rất thấp, nhưng chúng tôi vẫn duy trì cả trong tết dương lịch và Tết nguyên đán, mùa lễ hội. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xử lý nồng độ cồn trong năm 2024 vẫn là nhiệm vụ trọng điểm của lực lượng CSGT và cả những năm tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!