Vượt kỷ lục về kim ngạch, xuất nhập khẩu tự tin bước vào năm 2023
Điểm sáng nhiều ngành hàng
Sự nỗ lực của những ngành hàng chủ lực đã giúp cho bức tranh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022 có rất nhiều gam màu sáng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, vượt qua những khó khăn, thách thức, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 10,5% với kim ngạch đạt 371,3 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao. Điều đặc biệt, xuất khẩu năm 2022 ghi nhận nhiều ngành hàng bước vào các “câu lạc bộ” tỷ đô và chục tỷ đô. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Xuất khẩu nông sản đạt nhiều kết quả tích cực năm 2022 |
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế năm 2022 còn nhiều khó khăn, biến động, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng ngoạn mục, đóng vai trò quan trọng trong thành tích chung là kim ngạch xuất nhập khẩu của nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD năm 2022, tăng 9,3% so với năm 2021, cao gấp 133 lần so với năm 1986. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản đóng góp 11 ngành hàng trong tổng 39 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản... Một số mặt hành chủ lực có vị thế tại thị trường lớn, đáp ứng yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu.
Đơn cử, sau đặc sản bưởi đỏ Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình vừa có lô bưởi Diễn Yên Thủy đầu tiên đạt tiêu chuẩn, chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh. Lô hàng này được vận chuyển theo đường biển và dự kiến cập cảng nước Anh vào đúng dịp tết Nguyên đán 2023.
Cùng với đặc sản của Hòa Bình, cuối tháng 11/2022, lô hàng bưởi da xanh Bến Tre cũng chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ, đưa loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Đây là trái cây có thời gian bảo quản dài, hứa hẹn là điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường rộng lớn và là một trong những thị trường khó tính bậc nhất hiện nay. Đồng thời qua đó giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại trái cây đặc sản này.
Cùng với rau quả, năm 2022, “câu lạc bộ” xuất khẩu 10 tỷ USD kết nạp thêm ngành thủy sản, nâng số lượng thành viên của “câu lạc bộ” này lên con số 8. Đáng chú ý, ngành này cũng chỉ cần 11 tháng để đạt được cột mốc lịch sử. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 (8,89 tỷ USD), tăng 22,2% so kế hoạch. Đây cũng là con số kỷ lục từ trước đến nay.
Một trong những điểm sáng khác trong bức tranh xuất khẩu năm 2022 là xuất khẩu gạo khi ước đạt 7 triệu tấn gạo với giá trị gần 4 tỷ USD. Không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới, Việt Nam còn tự hào khi thành công xuất khẩu hai loại gạo mang thương hiệu Việt vào các thị trường khó tính như Nhật Bản và EU. Đây là năm đầu tiên gạo Việt Nam dưới thương hiệu Cơm Vietnam Rice đã được bán trong chuỗi siêu thị Pháp.
Mục tiêu nào cho năm 2023?
Năm 2023, triển vọng kinh tế toàn cầu được dự báo có nhiều biến động, phức tạp khó lường. Trong kịch bản tồi tệ nhất, các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái trong khi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi ghi nhận tăng trưởng giảm. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần nhận diện đúng và trúng thách thức để linh hoạt ứng phó.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, năm 2023 ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD. Theo ông Giang, ngành Dệt may hoàn toàn có đủ cơ sở để đặt ra mục tiêu này. Thứ nhất là do các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu chuyển đổi cơ sấu sản xuất từ dệt kim sang dệt thoi. Thứ hai là doanh nghiệp tìm hướng sản xuất các đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh. Thứ ba là đa dạng hóa được các thị trường. Một số thị trường như khối Liên Xô (cũ), thị trường châu Phi, Trung Đông trước đây doanh nghiệp không quan tâm nhiều thì giờ đã quan tâm hơn. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc, hiện cũng là một thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam.
Với các mặt hàng nông sản như rau quả hay gạo, các chuyên gia dự báo thị trường sẽ tiếp tục có những tín hiệu khả quan. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, tham gia hỗ trợ để thực hiện đàm phán, mở cửa thị trường, thực hiện thương mại tự do, phòng vệ thương mại để bảo vệ nhà sản xuất trong nước, tổ chức kết nối cung cầu tạo điều kiện cho tiêu thụ nông sản.
Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023 ở mức 2%, giảm đáng kể so với 2022 và còn nhiều khó khăn. Mặc dù thị trường Trung Quốc đã khôi phục xuất nhập khẩu hàng hóa nhưng vẫn còn nhiều thách thức đối với nhóm hàng nông lâm thủy sản khi tiếp cận thị trường nước bạn.
Để thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề xuất một số nội dung hợp tác giữa hai Bộ Công Thương và Nông nghiệp gồm: Tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành sản xuất để nâng tầm nông sản Việt; xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc; nâng cao chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản; thực hiện có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp, vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Giai đoạn tới, mục tiêu hoạt động xuất nhập khẩu hướng tới là phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa theo chiều sâu. Chính vì vậy, Bộ Công Thương xác định các chính sách sẽ tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao (điện tử, dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ..) gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hoá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.