Việt Nam tăng nhập khẩu dược phẩm từ Mỹ
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 7, cả nước chi 222 triệu USD nhập khẩu dược phẩm, giảm 20,4% so với tháng trước.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, cả nước chi hơn 1,93 tỷ USD nhập khẩu dược phẩm, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong khoảng thời gian này, Việt Nam chi gần 254 triệu USD nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2021.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, cả nước chi hơn 1,93 tỷ USD nhập khẩu dược phẩm từ Mỹ |
Nhập khẩu dược phẩm từ thị trường Mỹ ghi nhận tốc độ tăng mạnh mẽ, đạt 242,6 triệu USD, tăng 173,2% (tương đương gần 136 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Mỹ đã soán ngôi của Pháp trở thành thị trường nhập khẩu thuốc số 1 của Việt Nam trong 7 tháng qua.
Trong khi đó, thị trường Pháp đứng thứ hai với 222,5 triệu USD, giảm 18,5 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra còn 4 thị trường khác đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên gồm: Đức đạt 214,15; Bỉ gần 155 triệu USD; Ấn Độ đạt 147,27 triệu USD; Hàn Quốc 135,1 triệu USD. Cả 4 thị trường lớn này đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn chung, thị trường nhập khẩu thuốc của Việt Nam khá đa dạng, trong đó nhiều nhất tập trung vào châu Âu và châu Á.
Các thị trường lớn khác ở châu Âu như: Italia đạt 94,2 triệu USD; Tây Ban Nha đạt 53,76 triệu USD; Thụy Điển 49,74 triệu USD; Ireland đạt 47,32 triệu USD; Anh đạt 46,1 triệu USD; Áo đạt 39,84 triệu USD; Ba Lan đạt 31,2 triệu USD…
Các thị trường lớn khác ở châu Á như: Thái Lan đạt 51,2 triệu USD; Nhật Bản đạt 49,77 triệu USD; Trung Quốc đạt 41,22 triệu USD…
Nhu cầu sử dụng thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tiếp tục tăng cao trong giai đoạn dịch bệnh. Năm 2021, nhập khẩu dược phẩm cũng ghi nhận mức tăng khá 21,4%, với trên 4 tỷ USD, còn nguyên liệu dược phẩm 420 triệu USD, tăng 1,7% so với năm 2020.
Thuốc ngoại hiện đang chiếm lĩnh kênh bán hàng qua bệnh viện. 7 tháng 2022, giá trị trúng thầu thuốc kênh bệnh viện đạt 15.380 tỷ đồng trong đó thuốc ngoại chiếm 67% và thuốc nội là 33%. Thuốc nội địa tuy có giá thành rẻ hơn nhưng chưa thể cạnh tranh vì chất lượng thấp hơn.