Phát triển công nghiệp: Cần những "đầu tàu" dẫn dắt tăng trưởng
Phát triển công nghiệp: Hóa giải thách thức, ứng phó cú sốc bên ngoài Công nghiệp hỗ trợ - đón “làn sóng” chuyển dịch đầu tư mới |
Để thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp, chuyên gia cho rằng cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua liên kết ngành, nâng cao chất lượng sản xuất, thúc đẩy các “đầu tàu” và DN tiềm năng.
Doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp về công nghệ để nâng cao năng suất, giảm giá thành. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu trong thời gian qua đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Rõ rệt nhất, nhiều địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng thấp.
Do vậy, theo các chuyên gia, thời gian tới cần tiếp tục cần triển khai nhanh, hiệu quả hơn nữa các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, tận dụng mọi nguồn lực, mọi cơ hội cho tăng trưởng...
Nhiều ngành chủ lực vẫn gặp khó
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy kinh tế toàn cầu trong 7 tháng đầu năm phục hồi chậm, áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm…
Ở trong nước, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải còn ở mức cao, áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu… đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 7 tháng năm 2023 ước giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 8,6%). Riêng ngành chế biến, chế tạo giảm 1% (cùng kỳ tăng 9,5%); ngành khai khoáng giảm 1,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%.
Một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm so với cùng kỳ năm trước, gồm: Quảng Nam giảm 31,4%; Bắc Ninh giảm 16,7%; Vĩnh Long giảm 15,2%; Sóc Trăng giảm 6,9%; Hòa Bình giảm 4%...
Ngoài ra, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Ôtô giảm 19,6%; điện thoại di động giảm 19,3%; thép thanh, thép góc giảm 16,7%; xe máy và xi măng cùng giảm 5,8%; quần áo mặc thường giảm 5,7%; phân urê giảm 4,4%.
Hiện nay, ngành cơ khí - vốn được coi là công nghiệp nền tảng, quan trọng trong ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam, nhưng lại đang thiếu các cơ chế để nâng cao năng lực tự chủ. Rất nhiều các thiết bị cơ khí chế tạo của các ngành xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải… vẫn đang phụ thuộc nhập khẩu.
Chuyên môn hóa đến từng bộ phận. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho hay ảnh hưởng của đại dịch COIVD-19, số lượng các công trình công nghiệp được khởi công giảm làm đơn hàng trong nước đã ít lại càng ít hơn. Chưa hết, ảnh hưởng của chiến sự Nga-Ukraine tiếp tục làm cho đơn hàng giảm sút, do vậy các doanh nghiệp ngành cơ khí đang phải tìm mọi biện pháp để ổn định sản xuất và phát triển.
Còn theo ông Ninh Hữu Chấn, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), bên cạnh những lợi thế như nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí thấp, giảm chi phí vận chuyển, ngành phải đối mặt với một số khó khăn về quy mô thị trường, sự thiếu hụt ngành công nghiệp vật liệu, thiếu kinh nghiệm quản trị...
Cần thêm đòn bẩy, tạo đà cho phát triển
Trên thực tế, tăng trưởng GDP hiện nay đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, trong khi xuất khẩu lại phụ thuộc lớn từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)-với hơn 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm.
Vì vậy, chỉ cần có những tác động không thuận từ bên ngoài thì các hoạt động kinh tế-xã hội, từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đến việc làm, thu nhập sẽ chịu tác động ngay lập tức.
Dẫn chứng về suy giảm tại một số địa phương về sản xuất công nghiệp, Chuyên gia kinh tế - Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng cần tính tới các ngành công nghiệp chế biến cho giá trị gia tăng cao hơn, có tính tự chủ hơn, không thể để phụ thuộc quá lớn vào một ngành, hay một lĩnh vực, lại từ những doanh nghiệp FDI đầu tư công nghệ cao, khó chuyển giao, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng.
Để phát huy nội lực, tranh thủ các tiềm lực của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng nhanh và các tiêu chí xanh, bền vững đang ngày càng được các nền kinh tế đặt ra mạnh mẽ, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần đẩy mạnh khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên hiện có để tạo ra nguyên liệu cho sản xuất để xây dựng và tạo ra các ngành công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ, vừa giảm phụ thuộc nhập khẩu, tăng nguồn thu.
Doanh nghiệp tận dụng ưu thế để xây dựng thương hiệu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy thương mại, xuất khẩu. Đặc biệt, một số nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực như: dệt may, da giày, đồ gỗ… trước đây luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định.
Tuy vậy, giai đoạn vừa qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động và ảnh hưởng sâu đến sự ổn định toàn cầu mà nổi lên trong đó là cuộc xung đột vũ trang giữa Nga-Ukraine, trong khi đó hậu quả của dịch COVID-19 kéo dài dẫn tới hệ lụy làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, tổng cầu thế giới giảm sút... đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng do đây là những thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như may mặc, da giày, đồ gỗ…
Nhằm thể chế hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập trong phát triển công nghiệp trong thời gian tới.
Theo Đề cương Luật Công nghiệp trọng điểm, Chính phủ sẽ ban hành Chương trình quốc gia về Phát triển công nghiệp theo từng thời kỳ 10 năm nhằm xác định quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm trên phạm vi toàn quốc trong từng thời kỳ và tổ chức sử dụng các nguồn lực của đất nước từ Trung ương đến địa phương để bảo đảm thực hiện các quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của quốc gia.
Ngoài ra, trong khuôn khổ các nội dung của Chương trình quốc gia về Phát triển công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành các chương trình phát triển công nghiệp đối với từng ngành công nghiệp trọng điểm cụ thể.
Các nội dung chính được đưa ra trong Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ tập trung vào: Ưu đãi cho các dự án công nghiệp trọng điểm và quản lý đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua liên kết ngành và nâng cao chất lượng sản xuất, thúc đẩy các “đầu tàu” và doanh nghiệp tiềm năng; ban hành các chính sách đặc biệt trong phát triển công nghiệp trọng điểm; phát triển bền vững...