Phát triển công nghiệp: Hóa giải thách thức, ứng phó cú sốc bên ngoài
Phát triển công nghiệp ở Việt Nam: Chính sách cần tạo thuận lợi và ổn định Bộ Công Thương: Cần tháo gỡ 3 ‘nút thắt’ để phát triển công nghiệp |
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2023 giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp trong quý 1/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong suốt 12 năm trở lại đây (giai đoạn 2011-2023).
Đáng lưu ý, công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm hơn 85% kim ngạch xuất khẩu) đã không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong quý đầu năm - khi tế giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Cùng đó, sản xuất của một số ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực suy giảm mạnh, chỉ số tồn kho toàn ngành tăng cao.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023, cần phải nhìn rõ những khó khăn, thách thức từ đó có giải pháp đúng và trúng giúp lĩnh vực này duy trì vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Vẫn phụ thuộc lớn vào FDI
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong quý đầu năm, dù 48 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng, nhưng có tới 15 địa phương giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong số đó, 4 trung tâm phát triển mạnh công nghiệp thời gian qua (là Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc) tăng trưởng âm trong quý 1/2023.
Theo các chuyên gia, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng như linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử, máy vi tính, dệt may, da giày… thời gian qua đã nhanh chóng tạo ra việc làm và tăng trưởng cho nhiều địa phương, nhưng khi khu vực FDI gặp “trục trặc” - hoặc do các doanh nghiệp FDI chuyển phương án đầu tư; hoặc do tác động từ thị trường nước ngoài dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp tại các địa phương này bị cắt giảm đơn hàng xuất khẩu - ngay lập tức tác động ngược trở lại.
Ông Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần phải có quy định ràng buộc các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam phải thực hiện chuyển giao công nghệ cũng như tăng tỷ lệ nội địa hóa, nếu chỉ là lắp ráp đơn thuần và khi không có lợi nhuận nữa thì lại chuyển đi thì sẽ không đạt được mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tái cơ cấu các ngành công nghiệp, coi trọng các mặt hàng công nghiệp chế biến từ các ngành hàng nông - lâm thuỷ sản mà Việt Nam có thể mạnh để tập trung đầu tư đổi mới công nghệ và tìm kiếm thị trường cho giá trị gia tăng cao là khuyến nghị của ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch Nutifood
“Làm thương hiệu không chỉ sản xuất rồi dán tên vào sản phẩm và mang đi xuất khẩu. Phải xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp, mang lại giá trị lớn cho tất cả mọi đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị, vào hệ sinh thái đó, tương tự như cách mà Ireland đã làm với sữa hay nhân sâm của Hàn Quốc thì mới tạo ra những thương hiệu mạnh,” ông Trần Bảo Minh nói.
- Sản xuất công nghiệp một số lĩnh vực trong quý 1/2023:
Từ thực tế Việt Nam đã và đang phải nhập khẩu hàng tỷ USD mỗi năm cho các thiết bị máy móc, cơ khí trong các ngành giao thông vận tải, điện lực, nông nghiệp, y tế… trong khi các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất trong nước, theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, trong cơ cấu những mặt hàng xuất khẩu lớn thì chiếm 75% là của doanh nghiệp FDI.
Thực tế này cho thấy năng lực của doanh nghiệp nội còn kém, trong đó chủ yếu là những sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh, sản phẩm cơ khí lớn - như điện gió, đường sắt cao tốc, đường sắt giao thông thành phố, thiết bị y tế, thiết bị của nhà máy bô xít…
“Chúng ta vẫn chưa có một quy hoạch, chiến lược hay một lộ trình để có thể làm chủ những thiết bị ấy. Ví dụ, trước đây những cây cầu dây văng chúng ta nghĩ là không thể thiết kế, không thể chế tạo, nhưng đến bây giờ công nghệ cao như thế, Việt Nam vẫn làm được hết. Vì vậy, khi phát triển những chương trình về điện lực hay về giao thông… cần có một chiến lược về nội địa hóa thiết bị và trong chừng mực nào đó có thể phải luật hóa…,” ông Nguyễn Chỉ Sáng kiến nghị
Tăng chế biến sâu, tạo giá trị lớn
Rõ ràng, việc suy giảm công nghiệp trong quý đầu năm đã tác động mạnh tới phát triển chung của ngành cũng như toàn bộ nền kinh tế nếu không có sự cải thiện trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhìn nhận, trong các phân ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, cũng như đóng góp trong GDP hàng năm lớn nhất, qua đó tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, phần lớn các lĩnh vực quan trọng của kinh tế đất nước trực tiếp hoặc gián tiếp đều phụ thuộc vào khu vực sản xuất. Công nghiệp chế biến chế tạo cũng là nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định.
Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghiệp cũng khẳng định, với vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn bộ ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung trong nhiều năm vừa qua, việc công nghiệp chế biến, chế tạo suy giảm trong quý 1/2023 kéo theo sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế là dấu hiệu cho thấy cần khẩn trương có những chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm công nghiệp, qua đó giải phóng năng lực sản xuất trong nước, cải thiện tình hình tăng trưởng.
Vấn đề đặt ra là đâu sẽ là phân ngành, nhóm ngành công nghiệp được coi trọng để đầu tư phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, tác động nhanh và khó lường như hiện nay?
Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Võ Trí Thành nêu quan điểm, trong một thế giới đầy bất trắc, nhiều cú sốc có thể xảy ra, cường độ có thể cao hơn, tần suất có thể lớn hơn, rất khó lường, cùng đó là tài chính, tiền tệ, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… với doanh nghiệp-trong tất cả kế hoạch đều phải có các kịch bản và việc đánh giá rủi ro và quản trị rủi ro, để có thể khắc phục.
“Nếu không xảy ra các kịch bản xấu hay là những cú sốc không tốt thì thuận. Nhưng trường hợp ngược lại và xảy ra thì có thể hạn chế được rất nhiều những tác động tiêu cực có thể có đối với địa phương, đối với ngành kinh tế…,” chuyên gia Võ Trí Thành khuyến nghị thêm.
Công ty An Phát sản xuất các đơn hàng phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Từ thực tế của 15 tỉnh được thống kê có tăng trưởng công nghiệp ở mức 2 con số trong những tháng đầu năm 2023, như: Cao Bằng tăng 26,8%; Tuyên Quang tăng 22,6%; Hải Phòng tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 13,6%; Hải Dương tăng 12,5%; Nam Định tăng 12,3%; Đắk Lắk, Bạc Liêu và Phú Yên cùng tăng 11,6%; Bắc Giang và Kiên Giang tăng 10,9%) hoặc do ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (Hậu Giang tăng 286,1%; Thái Bình tăng 55,7%; Quảng Trị tăng 37%; Cà Mau tăng 33,7%) cho thấy đây đều là những tỉnh đã và đang phát huy khá tốt tiềm năng từ nội lực của chính các địa phương này.
Vì vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị cần phát huy các lợi thế của nông nghiệp để phát triển các ngành công nghiệp chế biến hàng hoá xuất khẩu, đồng thời, coi trọng công nghiệp cơ khí nền tảng để cung cấp thiết bị xây dựng-trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, điện lực, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn… nhằm giảm phụ thuộc cũng như chủ động trước các cú sốc từ bên ngoài./.