Phát hiện, thu hồi trên 924 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng và kinh tế
Phát hiện hơn 198 nghìn tỷ vi phạm về kinh tế
Theo Báo cáo số 2522/BC-TTTP gửi các Đoàn Đại biểu Quốc hội về kết quả giải quyết và trả lời cử tri gửi sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV của Thanh tra Chính phủ cho biết: Trong 9 tháng năm 2023, toàn ngành đã triển khai 7.169 cuộc thanh tra hành chính và 146.890 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 198.665 tỷ đồng, 495 ha đất. Kiến nghị thu hồi 155.548 tỷ đồng, trong đó thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 24 nghìn tỷ đồng và 56 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 43.117 tỷ đồng, 439 ha đất. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã ban hành 94.717 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 4.460 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.293 tập thể và 4.732 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 279 vụ, 363 đối tượng. Trong đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển 104 vụ, 99 đối tượng, qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành kiến nghị chuyển 175 vụ, 264 đối tượng.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã thu hồi được một lượng lớn tài sản liên quan đến tham nhũng và kinh tế - Ảnh minh họa |
Đối với công tác giám sát, thẩm định và xử lý về thanh tra, toàn ngành đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.075 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Trong đó có 3.445 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 42,7% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra). Riêng Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra đôn đốc 23 kết luận thanh tra, thu hồi về ngân sách Nhà nước 127 tỷ đồng, xử lý khác về kinh tế 36 tỷ đồng.
Để xảy ra thực trạng trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, một trong các nguyên nhân là do cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế xã hội còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi, dễ làm nảy sinh tham nhũng; Những khâu, những lĩnh vực quản lý còn bị buông lỏng, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, đặc biệt là cơ chế, chính sách và công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực như đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý vốn và tài sản nhà nước trong doanh nghiệp.
Phòng chống tham nhũng được thực hiện bài bản, quyết liệt, hiệu quả
Qua báo cáo của Thanh tra Chính phủ, cử tri cả nước đánh giá cao việc triển khai công tác phòng chống tham nhũng. Trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng đã được xử lý, nhiều tài sản tham nhũng được thu hồi, phản ánh quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các cấp, các ngành, các địa phương. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng; sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án dân sự đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; gắn phòng chống tham nhũng, tiêu cực với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cũng thông tin, thời gian qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) thuộc Bộ Công an đã tăng cường công tác phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế; đã thụ lý điều tra 11 vụ/46 bị can; trong đó: khởi tố mới 05 vụ/34 bị can, án cũ chuyển sang 06 vụ/12 bị can. Thiệt hại trong các vụ án thụ lý ước tính trên 981 tỷ đồng, tài sản thu hồi trong các vụ án thụ lý trên 924 tỷ đồng, hơn 20.000 cổ phiếu và kê biên 10 bất động sản (trị giá trên khoảng 100 tỷ đồng). Kết luận điều tra 07/28 bị can và hiện đang điều tra 4 vụ/18 bị can.
Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5) thuộc Viện Kiểm sát nhẫn dân tối cao đã thụ lý, thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết: việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố gồm 15 tin báo; các vụ án tham nhũng, chức vụ: 13 vụ/96 bị can; về hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố: thụ lý giải quyết 06 vụ/63 bị can. Đã ban hành cáo trạng truy tố 05 vụ/58 bị can. Còn 01 vụ/05 bị can (trong hạn luật định), tỷ lệ giải quyết đạt 83,3%.
Dù đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng còn một số khó khăn, vướng mắc, tại, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực như: Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước doanh nghiệp... Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện; một số biện pháp hiệu quả thấp; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc.
Bên cạnh đó, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ tổ chức, đơn vị chưa có chuyển biến rõ nét; rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ. Hoạt động thanh tra phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc làm rõ động cơ vụ lợi để chuyển cơ quan điều tra kiến nghị khởi tố về các tội tham nhũng còn nhiều khó khăn. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số vụ án, vụ việc cụ thể còn hạn chế; công tác giám định, định giá tài sản có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn một số trường hợp chậm ban hành kết luận giám định, định giá tài sản làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc. Trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn; tương trợ tư pháp hình sự còn gặp khó khăn. Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án hiệu quả chưa cao.
Từ thực tiễn nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với công tác đấu tranh chống tham nhũng. Đặc biệt, chú trọng công tác cán bộ, gắn phòng chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải đặc biệt coi trọng công tác phòng ngừa, đồng thời kết hợp chặt chẽ với xử lý nghiêm khắc những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thực tiễn công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, việc kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ sớm, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng. Đồng thời, có cơ chế bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.