Tháo gỡ nút thắt trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử
Trong bối cảnh thương mại điện tử và nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, việc quản lý thuế đối với các hoạt động này đang đặt ra nhiều thách thức mới cho cơ quan thuế. Để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội và chống thất thu thuế, Bộ Tài chính đã đưa ra những đề xuất sửa đổi quan trọng trong dự án Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế.
Vì sao cần sửa đổi khái niệm “cơ sở thường trú”?
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc khai thuế, tính thuế, đặc biệt tập trung vào hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh dựa trên nền tảng số. Việc sửa đổi này nhằm mục tiêu mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp và thu hẹp khoảng cách thuế giữa nền kinh tế truyền thống và nền kinh tế số.
Một trong những điểm nhấn của đề xuất này là việc sửa đổi khái niệm “cơ sở thường trú”. Hiện nay, khái niệm này chỉ được quy định trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh trực tuyến, nhiều doanh nghiệp nước ngoài không có văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng vẫn cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng Việt Nam. Điều này dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp này.
Việc quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điệ tử đang đặt ra nhiều thách thức mới cho cơ quan thuế. Ảnh minh họa |
Việc sửa đổi khái niệm “cơ sở thường trú” sẽ giúp làm rõ hơn đối tượng chịu thuế, đảm bảo rằng các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, dù có văn phòng đại diện hay không, đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế một cách công bằng.
Trong trường hợp này, họ chỉ thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên phần lợi nhuận phân bổ cho cơ sở thường trú theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (ví dụ như trường hợp của Booking.com).
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng và pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, các nhà cung cấp nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam thì thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.
Tháo gỡ nút thắt trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử
Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã đặt ra nhiều thách thức mới cho công tác quản lý thuế. Tại Việt Nam, mặc dù pháp luật đã có những quy định nhất định, nhưng việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh qua sàn giao dịch thương mại điện tử vẫn còn nhiều bất cập.
Theo quy định hiện hành, hộ, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử có trách nhiệm tự kê khai, tự nộp thuế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tự giác chấp hành pháp luật của một số đối tượng còn hạn chế, dẫn đến tình trạng thất thu thuế. Cơ quan thuế chủ yếu dựa vào việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin và thu thập thông tin từ bên thứ ba để quản lý, một phương thức còn nhiều hạn chế về tính kịp thời và độ chính xác.
Bên cạnh đó, nhiều bất cập thường gặp là khó khăn trong việc xác định đối tượng nộp thuế do số lượng lớn các hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Nhiều hộ, cá nhân kinh doanh có xu hướng kê khai doanh thu thấp hơn so với thực tế để trốn thuế. Ngoài ra, việc truy thu thuế đối với các trường hợp vi phạm gặp nhiều trở ngại do thiếu bằng chứng và thủ tục rườm rà.
Pháp luật hiện hành đã quy định một số trường hợp khai thay, nộp thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử bao gồm: Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân, tổ chức trong nước là đối tác của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thực hiện chi trả thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số cho cá nhân theo thỏa thuận với nhà cung cấp nước ngoài; Sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự (chỉ thực hiện khi có ủy quyền dân sự của hộ, cá nhân kinh doanh).
Do đó, cần có giải pháp quản lý hiệu quả hơn đối với mô hình kinh doanh qua sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, theo kinh nghiệm quốc tế về triển khai cơ chế sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay cho người bán: đây là nội dung được khuyến nghị triển khai trong các tài liệu, nghiên cứu của OECD, các tổ chức quốc tế khác (IMF, ADB,…), cũng như đã chứng minh thực tế hiệu quả triển khai của các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực (Anh, EU, Australia, Thái Lan, Đài Loan,…).
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung về nguyên tắc khai thuế, tính thuế nhằm mở rộng cơ sở thu, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Thứ nhất, sửa đổi bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” đối với nhà cung cấp ở nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam để không phân biệt có hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đều phải kê khai, nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Thứ hai, bổ sung quy định trường hợp tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng thanh toán, có trách nhiệm khấu trừ, kê khai, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử để cải cách thủ tục hành chính, tập trung đầu mối kê khai, đáp ứng việc kê khai, nộp thuế phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các ngân hàng khác có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu, cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trong lĩnh vực thuế, số liệu giao dịch thương mại điện tử.