Nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp: Yêu cầu cấp bách
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp hiện nay là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao |
Thiếu nguồn nhân lực trình độ cao
Chia sẻ tại Tọa đàm “Gắn kết cơ sở giáo dục đại học và DN để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tại Hà Nội mới đây, bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho biết: Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông-lâm-ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Không những vậy, lao động nông nghiệp đang ở độ tuổi cao và thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.
Cũng theo bà Lan, Việt Nam mặc dù có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp nhưng nguồn nhân lực trong nông nghiệp với tỷ trọng khoảng 46% chưa đáp ứng được yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. Trong khi đó, một số ngành nông nghiệp chưa thực sự thu hút được người học, tuyển sinh gặp khó khăn. Việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nền nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn nhất đối với các cơ sở đào tạo nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn đối với các cơ sở đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có kỹ năng cần thiết để không bị thay thế bởi rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện...
Việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Kết nối nhà trường và DN
Trước thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, việc DN tham gia vào quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học là rất cần thiết. Do đó, cần phải nhận thức rõ sức ảnh hưởng và tác động của việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và DN. Muốn vậy, chúng ta cần thay đổi chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp để có thể thích ứng với sự phát triển DN nông nghiệp, đảm bảo cho nền nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Việc kết nối giữa nhà trường - DN không phải là mới, các nước phát triển đã làm rất tốt. Đây là hoạt động thường xuyên, tất yếu trong đào tạo, kết nối cung-cầu về nhân lực. Bên cạnh đó, nhà trường - DN sử dụng lao động phải thực sự đồng hành với nhau vì sự phát triển chung. Việc kết nối nhà trường - DN không chỉ dừng lại ở việc cấp học bổng hay tạo cơ hội thực tập cho sinh viên tốt nghiệp, mà còn phải ở nhiều phương diện khác, như: Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và đặt hàng đào tạo, xác định chuẩn đầu ra… Có như vậy, mối gắn kết mới đi vào thực chất, hiệu quả.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp hiện nay là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Chính vì vậy, các cở sở đào tạo phải cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn. Việc định hướng đào tạo phải bắt đầu từ nhu cầu thị trường, đảm bảo cung ứng cho thị trường lực lượng lao động chất lượng cao.
Trên thực tế, các mô hình hợp tác giữa DN và trường học đã mang lại hiệu quả. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác với trên 150 DN, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, thực hành thực tế. Học viện đã tăng thời gian thực hành của các học phần. Đặc biệt là các học phần thực tập nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Điều này giúp sinh viên tiếp cận và làm chủ các trang thiết bị, công nghệ, kỹ thuật hiện đại và tăng khả năng thích ứng sau khi ra trường. Bên cạnh đó, Học viện đã xây dựng được các hợp tác chặt chẽ với các đối tác: Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc… trong đào tạo ngắn hạn cho sinh viên và các thành phần trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tại nước ngoài.
Trong khi đó, tại Trường Đại học Thủy Lợi các chương trình liên kết đào tạo, hợp tác với các trường đại học, các tổ chức quốc tế và DN nước ngoài được đẩy mạnh. Trường Đại học Thủy lợi cũng đã ký kết hợp tác với Công ty Samsung Việt Nam và được đầu tư phòng Lab trị giá 1,3 tỷ đồng, đối tác đặt hàng đào tạo một số môn học trong chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin, từ đó những sinh viên được đào tạo một số môn học theo nhu cầu DN này sẽ được Công ty Samsung Việt Nam tuyển dụng. Nhà trường cũng đã ký kết hợp tác với các Công ty Minami Fuji, Công ty Work Staff… xây dựng những chương trình đào tạo về ngôn ngữ, văn hóa và phong cách làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc…
Nhấn mạnh đến việc DN tham gia vào quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học là cần thiết, bà Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần có chính sách và chương trình đầu tư thỏa đáng cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp, coi đây là sự đầu tư đào tạo nhân lực cho những ngành mà nhà nước rất cần nhưng khó tuyển sinh. Ngoài ra, Chính phủ cần có chương trình cụ thể để đưa việc đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức khởi nghiệp vào hệ thống các trường nông-lâm-ngư nghiệp và các cơ sở giáo dục có liên quan để thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới và mỗi xã, phường một sản phẩm.
Sau buổi Tọa đàm, đã có hơn 30 biên bản thỏa thuận hợp tác thiết thực giữa các cơ sở giáo dục đại học và các DN trong đào tạo và đào tạo bổ sung nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao. |