Khu vườn ‘chữa lành’ của chàng thạc sĩ ‘chim cánh cụt’
Đôi tay bỏ lại xứ người
Khu vườn Happy Garden nằm nép mình trong góc nhỏ giữa TP Hà Tĩnh nhộn nhịp, thế nhưng bên trong lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Vừa bước vào cổng, một chàng trai với dáng người mảnh khảnh, tuy thân thể không lành lặn nhưng trên môi lúc nào cũng xuất hiện nụ cười. “Vườn hoa hạnh phúc xin chào quý khách” - anh Tô Hữu Sỹ (SN 1989, quê xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đon đả cất tiếng chào khi có khách ghé tham quan.
Khu vườn hạnh phúc của chàng thạc sĩ “chim cánh cụt” Tô Hữu Sỹ |
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Tô Hữu Sỹ là cách anh ấy dùng cánh tay giả một cách điêu luyện để chăm sóc cây cảnh, rót trà mời khách và làm tất tần tật mọi việc trong khu vườn.
Anh Sỹ tâm sự, nơi anh sinh ra là vùng quê nghèo khó, quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Gia đình đông con cùng hoàn cảnh ngặt nghèo là những động lực để chàng trai trẻ vượt lên chính mình.
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Tô Hữu Sỹ quyết tâm học lên Thạc sĩ. 3 năm sau, anh hoàn thành xuất sắc khóa học, cầm trên tay tấm bằng thạc sĩ ngành Cây trồng.
Chân ướt chân ráo về quê, chàng trai trẻ khởi nghiệp với nhiều dự án cây giống giúp bà con trong vùng, tuy nhiên vấp phải vô vàn khó khăn do điều kiện canh tác ở địa phương chưa thực sự phù hợp.
Gác lại bao hoài bão, anh Sỹ quyết định ra nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, quyết tâm đưa tiến bộ khoa học công nghệ về với bà con.
“Tôi nhận thấy bà con nông dân ở quê mình còn canh tác thủ công, vừa mất sức lại không đạt hiệu quả cao. Tôi nghĩ cần học hỏi những cách trồng cây thông minh, sạch, áp dụng khoa học kĩ thuật thì khi đó mới giúp bà con nâng cao năng suất cây nông nghiệp” - anh Sỹ chia sẻ.
Mọi công việc chăm sóc cây cảnh trong khu vườn đều được anh Sỹ thực hiện bằng cánh tay giả. |
Nghĩ là làm, cuối năm 2020, Tô Hữu Sỹ khăn gói sang Nhật Bản thông qua chương trình hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các đối tác tại Nhật Bản.
Nào ngờ, khi công việc đang trên đà tiến triển thì tai họa ập đến. Sự là đầu năm 2022, trong một lần kiểm tra vận hành máy sấy rau củ, do sơ ý, găng tay của anh Sỹ dính vào băng chuyền máy đang hoạt động. Cả hai cánh tay bị cuốn vào máy, sau nhiều tiếng “rắc rắc” của xương gãy, anh không còn nhớ gì nữa.
Ca phẫu thuật cứu sống Sỹ diễn ra gần nửa ngày. Khi vừa tỉnh lại, anh bàng hoàng khi đôi tay đã vĩnh viễn rời xa cơ thể mình. Những cơn đau thấu tận xương tủy hòa cùng cái lạnh âm độ khiến chàng trai trẻ như gục ngã. Thời điểm đó, mọi ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ như vụt tắt ở nơi xứ người lạnh lẽo. “Mất đôi tay, tôi như mất tất cả” - anh Sỹ nói.
Nhưng khi nghĩ đến vợ con, gia đình đang chờ ở quê nhà, một lần nữa anh lại gắng gượng đứng dậy, không chấp nhận số phận.
“Vợ và đứa con út chưa kịp nhìn mặt là ánh sáng duy nhất thôi thúc ý chí sống trong tôi khi rơi vào vực thẳm tối tăm nhất của cuộc đời. Mất đôi tay nhưng sức mạnh tri thức và ham muốn cống hiến của tôi vẫn còn đó, tôi quyết tâm sử dụng tay giả để thay thế cánh tay đã mất của mình” - anh bộc bạch.
Giữa năm 2023, sau 14 tháng điều trị tại bệnh viện ở Nhật Bản, chàng thạc sĩ trở về quê nhà với đôi tay giả. Chào đón anh là người vợ tảo tần và 2 con thơ cùng những giông tố phía trước.
Khu vườn “chữa lành” biến cố
Trở về sau biến cố lớn của cuộc đời, thứ duy nhất Tô Hữu Sỹ có trong tay là vợ con và niềm tin về cuộc sống. Cũng từ đó dự án khu vườn mang tên hạnh phúc ra đời. Đây là ước mơ của anh và vợ mình là chị Nguyễn Thị Hồng ấp ủ từ bấy lâu.
Ở tuổi 35, anh Sỹ sống hạnh phúc bên vợ và 2 con |
Khi được hỏi vì sao đặt tên “hạnh phúc” cho vườn hoa của mình, anh Sỹ cười đáp, khu vườn không chỉ là nơi kinh doanh buôn bán mà còn giúp anh tìm lại sự bình yên trong cuộc sống. “Đối với tôi, hạnh phúc đơn giản là mình vẫn đang được làm việc. Dù mất đi đôi tay nhưng tôi vẫn là tôi, vẫn có thể vá lại cuộc đời không lành lặn của mình. Tôi muốn lan tỏa năng lượng tích cực đến với mọi người, nhất là những người gặp hoạn nạn trong cuộc sống. Mọi khó khăn trong cuộc sống chỉ là thử thách mà thôi. Mình hãy tin vào bản thân mình và vượt qua nó một cách nhẹ nhàng nhất” - Sỹ nói.
Cũng giống như nhiều bạn trẻ hiện nay có trào lưu “chữa lành”, đối với anh Sỹ, khu vườn này là nơi để anh “vá” lại bi kịch của cuộc đời. Ngoài là nơi kinh doanh buôn bán thì đây còn là nơi anh gặp gỡ, chia sẻ lối sống lạc quan, tích cực đến với những người đồng cảnh ngộ.
Hiện nay, Happy Garden có hơn 50 loài cây đa sắc màu, được chính tay anh Sỹ chăm sóc và được đông đảo khách hàng yêu mến, tin dùng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, vợ chồng anh còn tạo công ăn việc làm cho 2 - 3 nhân công với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Nhiều khách hàng nể phục bởi tài năng của Tô Hữu Sỹ |
“Mỗi chậu hoa đều do anh Sỹ đổ hết tâm huyết vào nên rất chỉn chu. Nếu cây bị chết thì anh Sỹ sẽ “bảo hành” bằng cách đổi cây mới. Ngoài ra, anh còn chia sẻ cho chúng tôi biết cách chăm sóc các loài cây, hoa sao cho phát triển tốt nhất. Tuy thân thể không lành lặn như mọi người nhưng Sỹ có một nghị lực sống hiếm ai có được” - một vị khách chia sẻ.