Ngành gạo tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA
Sân chơi không chỉ màu hồng
Khẳng định cuộc chơi của các FTA, cụ thể là EVFTA không đơn giản, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho biết, phía EU sẽ đưa ra nhiều rào cản về kỹ thuật vô cùng khắt khe và liên tục thêm những loại hóa chất mới yêu cầu DN gạo của Việt Nam đáp ứng. Tuy nhiên, đã là hội nhập thì chúng ta phải thay đổi theo nhu cầu thị trường mới phát triển bền vững được.
Ký kết hợp tác giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời với UBND tỉnh An Giang |
Không chỉ dừng lại ở rào cản kỹ thuật, một vấn đề khác cần lưu ý là sự trung thực của từng DN trong kinh doanh xuất khẩu. Theo ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, thông thường khi làm thủ tục xuất khẩu, các đối tác tại châu Âu sẽ đưa ra một danh sách để DN tự điền thông tin như vùng trồng, giống, kỹ thuật trồng… Ban đầu nhà nhập khẩu sẽ không kiểm tra gì, chỉ đến khi DN đưa hàng qua họ sẽ bắt đầu kiểm tra, và chỉ cần DN vi phạm một yêu cầu trong số đó sẽ bị tiến hành điều tra. “Trong quá trình điều tra ra kết quả DN không trung thực, lô hàng sẽ bị trả về và DN bị vào danh sách đen - đồng nghĩa cơ hội làm ăn tại thị trường này chấm dứt” - ông Có cảnh báo.
Ngoài ra, theo các chuyên gia nông nghiệp, DN xuất khẩu gạo cũng lưu ý là châu Âu cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn được ưu đãi về thuế. Nên nếu chỉ đáp ứng vệ sinh thực phẩm hay trung thực là chưa đủ, mà yếu tố quan trọng nhất để được nằm trong hạn ngạch miễn thuế là DN phải có vùng trồng ổn định; chứng minh được nguồn gốc sản phẩm và giám sát chặt chẽ từ khâu ban đầu cho đến khi ra thành phẩm. Trong khi đó, hiện nay có rất ít DN xuất khẩu gạo có vùng trồng ổn định mà chỉ thông qua một đầu mối thu mua nguyên liệu, sau đó họ sẽ kiểm tra xem có đạt chuẩn hay không.
Gấp rút tái cơ cấu vùng trồng đạt chuẩn
Kể từ ngày 1/8/2020 Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, đồng nghĩa với việc gạo Việt xuất khẩu sang thị trường này sẽ được hưởng thuế ưu đãi về 0% theo lộ trình cam kết. Do đó, các DN lúa gạo đã xác định ngoài đáp ứng những tiêu chí về an toàn thực phẩm, môi trường… thì vùng trồng là yếu tố quan trọng, tiên quyết.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn để xuất sang EU |
Tiên phong cho việc xây dựng vùng nguyên liệu, giữa tháng 7/2020 Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã phối hợp với UBND tỉnh An Giang triển khai chương trình liên kết phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Theo mô hình này, cán bộ kỹ thuật Lộc Trời sẽ tư vấn cho các hộ nông dân thành viên về cây giống và quy trình canh tác phù hợp nhất với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng và khả năng tài chính, giúp họ chủ động trong việc phòng chống sâu bệnh, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế của các vụ mùa.
Thực tế, mô hình liên kết này đã được Lộc Trời nghiên cứu, phát triển và thực hành từ ba năm gần đây, dựa trên những thế mạnh của đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, được bà con nông dân biết đến với tên "3 cùng" - cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Mô hình này thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa Lộc Trời với các hợp tác xã trong chuỗi liên kết. “Đây chính là cách làm để Lộc Trời chủ động, đảm bảo được an toàn chất lượng, truy xuất được nguồn gốc cho hạt gạo xuất khẩu” - ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ.
Cùng với xây dựng vùng nguyên liệu, theo cam kết EVFTA, trong hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm cho Việt Nam thì có 30.000 tấn gạo thơm nên nhiều DN, hợp tác xã (HTX) trồng gạo này đang gấp rút liên kết để có gạo đạt chuẩn vào EU. Điển hình là HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lệ (tỉnh Long An). Theo bà Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc thương mại HTX Mỹ Lệ, HTX vốn nổi tiếng với sản xuất gạo nàng thơm Chợ Đào nhưng toàn bộ 60 hecta lúa này của HTX mới đạt chuẩn VietGAP. Để xuất qua EU hưởng ưu đãi thuế HTX đang phối hợp, liên kết với những hộ nông dân khác mở rộng diện tích và trồng theo tiêu chuẩn Global GAP.
Bên cạnh đó, các lô hàng gạo thơm thuộc diện hạn ngạch thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch, phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Và vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng - Cục phó Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, hiện Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng văn bản hướng dẫn cho DN. Mục đích tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho các DN hoàn thiện những tiêu chuẩn mà phía EU đưa ra.
Theo thống kê, mỗi năm EU tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo, trong khi chúng ta chỉ mới xuất khẩu vào thị trường này được khoảng 15 nghìn tấn mỗi năm. Do đó, dư địa cho các DN Việt Nam còn rất lớn, nếu so với hạn ngạch EU cấp khi EVFTA có hiệu lực là 80.000 tấn cho Việt Nam. |