Ngân hàng Nhà nước không siết chặt tín dụng bất động sản
Kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản đầu cơ Vốn dài hạn bị siết, tín dụng bất động sản càng thêm khó Ngân hàng nín thở ngóng room, nới tay với chứng khoán song vẫn siết tín dụng bất động sản |
Thông tin tại Hội nghị tín dụng bất động sản đang được tổ chức, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lĩnh vực bất động sản là một trong những ngành có đóng góp lớn cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản có sự liên thông với các ngành kinh tế khác.
Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vào cuối năm 2022 chiếm khoảng 21,2% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Năm 2022, tín dụng bất động sản tăng nhanh hơn mức tăng chung của nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này ở mức cao và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành kinh tế.
“Thời gian qua, thị trường bất động sản xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, những vụ việc xảy ra đã ảnh hưởng đến niềm tin cùa các nhà đầu tư. Diễn biến của thị trường bất động sản cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị tín dụng bất động sản nhằm lắng nghe các đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho thị trường bất động sản, làm rõ nguyên nhân vì sao doanh nghiệp kêu khó tiếp cận tín dụng ngân hàng” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản và phát ngôn nào khẳng định siết chặt tín dụng bất động sản. Ngân hàng Nhà nước chỉ có các văn bản chi đạo kiểm soát chặt cấp vốn cho các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro trong bất động sản.
“Nhân sự kiện này, tôi khẳng định lại Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản. Đó chỉ là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn,… để đảm bảo an toàn hệ thống. Đến nay chúng tôi vẫn nhất quán quan điểm chỉ đạo như vậy. Còn đối với tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng như các lĩnh vực khác” - ông Tú nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản với mức tăng trưởng cao, dư nợ lớn |
Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của thị trường bất động sản đối với hoạt động ngân hàng, do đó trong thời gian qua thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, tín dụng bất động sản và điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng với mục tiêu vừa đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản.
Dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021 là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế cao nhất trong 5 năm qua.
Trong đó chủ yếu tập trung vào nhu cầu tiêu dùng/tự sử dụng: Kinh doanh bất động sản tăng 11,5% chiếm tỷ trọng 31,28%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 31,1% chiếm tỷ trọng 68,72%. Theo phân khúc dư nợ cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,19%, quyền sử dụng đất chiếm 20,66%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,67%, nhà ở nhà hội 0,71%, khác là 13,77%.
“Như vậy, có thể thấy hiện nay các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản với mức tăng trưởng cao và đang có dư nợ lớn. Đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi thì được tổ chức tín dụng cho vay theo đúng quy định.”- đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cũng nêu ra 6 giải pháp đã được áp dụng trong thời gian qua:
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đáp ứng các nhu cầu đầu tư, sở hữu bất động sản, cải thiện chỗ ở, nơi làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Về chính sách lãi suất, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường để ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, đồng thời tạo điều kiện tiết kiệm giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Hội nghị tín dụng bất động sản: Ngân hàng Nhà nước khẳng định vẫn cấp tín dụng cho bất động sản |
Về chính sách tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tín dụng phù hợp với diễn biến thực tế, chỉ đạo tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng để cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng thực hiện tốt vai trò cho vay, bảo lãnh trong đó có ban hành quy định về hoạt động bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; đồng thời cũng ban hành các quy định về tỉ lệ an toàn, các giới hạn tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chương trình tín dụng về nhà ở như: Ngân hàng Nhà nước đã dành khoảng 30.000 tỉ để giải ngân cho vay tái cấp vốn cho 17 Ngân hàng thương mại thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP.
Đây là chương trình tín dụng ưu đãi có quy mô lớn nhất trong thời gian qua và thời gian ưu đãi rất dài (trong 15 năm). Cho vay phát triển nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Các chương trình cho vay nhà ở tại Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp người có thu nhập thấp, người nghèo gặp khó khăn về nhà ở được cải thiện chỗ ở.
Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách Xã hội góp phần ổn định nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, trong đó có các chương trình cho vay về nhà ở. Nguồn nhận tiền gửi 2% này của các tổ chức tín dụng Nhà nước tăng trưởng hàng năm và đến nay đạt 104,128 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 35% trên tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Thứ năm, khi xảy ra đại dịch Covid-19 ngành ngân hàng đã kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn trong đó có khách hàng thuộc lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: quy định về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tạo điều kiện giúp khách hàng thời hạn trả nợ phù hợp với dòng tiền, tạo cơ sở để tổ chức tín dụng cho vay mới giúp khách hàng duy trì, phục hồi sản xuất - kinh doanh; giảm phí và dịch vụ thanh toán...;
Thứ sáu, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý như về đầu tư, kinh doanh bất động sản; về nhà ở, nhà ở xã hội... Phối hợp với các Bộ, ngành tham gia các Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội...