Làm thế nào để được đấu giá biển số xe ô tô?
Bộ trưởng Bộ Công an: Người trúng đấu giá được giữ lại biển số ô tô khi bán Đấu giá biển số xe ô tô từ 1/7/2023: Mức giá khởi điểm và nghĩa vụ người trúng đấu giá |
Công khai kế hoạch tổ chức đấu giá
Nội dung dự thảo nghị định của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều nghị quyết Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô của Bộ Công an gửi Bộ Tư pháp để thẩm định, có nhiều điểm đáng chú ý.
Theo nội dung dự thảo, việc đấu giá biển số xe ô tô được thực hiện bằng hình thức trực tuyến trên Internet. Theo đó, các biển số xe ô tô đưa ra đấu giá dự kiến bao gồm biển số xe ô tô của các tỉnh, thành phố, ký hiệu series A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z có nền màu trắng, chữ và số màu đen, chưa đăng ký, dự kiến cấp mới, đang trong hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an.
Nội dung dự thảo nghị định cũng đề xuất, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quyết định số lượng biển số xe ô tô đưa ra đấu giá tại mỗi phiên đấu giá. Trong trường hợp chưa đến kỳ đấu giá tiếp theo, công an tỉnh, thành phố hết biển số xe ô tô để đăng ký thì Bộ Công an giao Cục Cảnh sát giao thông quyết định.
Người tham gia đấu giá được lựa chọn biển số xe ô tô của tất cả các tỉnh, thành trên cả nước và phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá trong 15 ngày |
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an cũng được giao phê duyệt kế hoạch tổ chức đấu giá biển số xe ô tô cho từng phiên đấu giá. Kế hoạch đấu giá sẽ gồm danh sách biển số đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước, hình thức, phương thức tổ chức đấu giá...Theo đó, kế hoạch này sẽ được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày phê duyệt.
Dự thảo nghị định nêu rõ về trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe ô tô. Cụ thể, người tham gia đấu giá được cấp tài khoản truy cập và hướng dẫn về cách sử dụng, cách trả giá cũng như nội dung khác trên trang thông tin đấu giá trực tuyến để thực hiện việc đấu giá. Người tham gia cũng được lựa chọn biển số xe ô tô theo nhu cầu trong danh sách biển đưa ra đấu giá của tất cả các tỉnh, thành trên cả nước.
Người trúng đấu giá phải nộp tiền trúng đấu giá trong 15 ngày
Dự thảo nghị định cũng quy định, đối với tiền đặt trước tham gia đấu giá thì khoản tiền này được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kể từ ngày đăng ký tham gia đến trước thời điểm tổ chức đấu giá 3 ngày. Cùng với đó, tiền đặt trước trong các trường hợp cụ thể được quy định tại khoản 4, 5, 6 của điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016.
Theo nội dung dự thảo, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước. Tiền trúng đấu giá này không bao gồm lệ phí đăng ký xe. Bên cạnh đó, số tiền bán đấu giá sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương.
Trước khi hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá, người trúng đấu giá chưa thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô để gắn biển này mà phát sinh sự kiện bất khả kháng, thì phải gửi đề nghị gia hạn bằng văn bản điện tử cho Bộ Công an qua hệ thống quản lý đấu giá.
Ngoài ra, trong thời gian 15 ngày kể từ khi xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, người trúng đấu giá phải gửi giấy chứng minh về Bộ Công an để xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được giấy này, Bộ Công an sẽ xem xét, giải quyết và thông báo kết quả gia hạn.
Dự thảo quy định, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá, hoặc văn bản gia hạn thời gian đăng ký trong trường hợp, sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan, người trúng đấu giá chết nhưng biển số trúng đấu giá chưa đăng ký gắn với xe thì người thừa kế được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp. Theo đó, số tiền này sẽ trừ đi các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định và không được tính lãi.
Đáng chú ý, trong nội dung dự thảo cũng nêu rõ, đối với biển số trúng đấu giá nếu trong trường hợp sử dụng không đúng quy định của pháp luật thì sẽ bị thu hồi.