Hoá giải 'cơn khát' vàng - Bài 2: 'Bệnh nan y' cần toa thuốc đặc trị hữu hiệu
Một thực tế đang diễn ra, giá vàng "nóng" không chỉ từ các chợ dân sinh, khu phố, trên nhiều diễn đàn mà còn là tâm điểm tại các phiên nghị sự của Quốc hội. Người người, nhà nhà xôn xao về sự biến động của giá vàng. Và có lẽ, lượt tìm kiếm trên các trang mạng về từ khoá "giá vàng" cũng nóng hơn bao giờ hết.
Trước tình trạng nguồn cung khan hiếm, giá vàng trong nước tăng, chênh lệch lớn với giá thế giới kéo theo một mối nguy hại không chỉ riêng cho người dân mà cho cả nền kinh tế và xã hội. Khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ nhập lậu vàng và từ buôn lậu sẽ có thất thoát về ngoại tệ, dẫn tiếp tới chuyện quản lý tỷ giá.
"Chặn" vàng lậu, đầu cơ, thao túng thị trường vàng từ "gốc"
Từ góc độ doanh nghiệp kinh doanh vàng, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng: Việc giá vàng quốc tế với giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn như vậy gây ra hậu quả không tốt cho thị trường. Người dân không được hưởng lợi khi phải mua vàng trong nước với giá rất cao. Không những thế việc để chênh lệch trong khi không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu chính thống rõ ràng tạo điều kiện cho buôn lậu, không kiểm soát được.
Thực tế cho thấy, từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan duy nhất có quyền nhập khẩu vàng chính ngạch đã không thực hiện nhập khẩu vàng. Trong khi thị trường vàng trong nước "cửa đóng then cài" thì 3 nước giáp ranh Việt Nam là Lào, Campuchia và Trung Quốc đều mở cửa thị trường vàng. Theo đó, từ nhiều năm nay buôn lậu vàng nhất là tại các tỉnh biên giới Tây Nam và khu vực miền Trung tiếp giáp với Lào liên tục thành điểm nóng, nhiều vụ bị phát hiện với số lượng rất lớn.
Ngân hàng nhà nước vừa ban hành Quyết định thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng. Ảnh: Cấn Dũng |
Đơn cử tháng 6/2023, các đơn vị chức năng đã điều tra, bóc gỡ một đường dây buôn lậu vàng "khủng" qua biên giới. Chỉ trong vòng 1 năm, các đối tượng đã buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), bán cho các cửa hàng vàng tại Việt Nam để kiếm lời.
Tương tự, cũng trong năm 2023, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 24 bị can trong đường dây buôn lậu 6.150kg vàng 9999 từ Campuchia về Việt Nam. Các bị can bị cáo buộc buôn lậu vàng từ Campuchia tổng giá trị hơn 8.400 tỉ đồng rồi đưa về Việt Nam bán cho các tiệm vàng. Trong số các bị can có nhiều người là chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Không chỉ buôn lậu, vấn đề thao túng thị trường vàng còn được nhiều chuyên gia "điểm mặt" xuất phát từ chính nhu cầu của các cửa hàng kinh doanh vàng. Chính cầu từ các doanh nghiệp kinh doanh vàng một phần tạo nên sự khan hiếm và mất cân đối cung cầu vàng ngày càng tăng, đẩy giá vàng tăng cao hơn nhiều so với giá thế giới. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, trước khi nói về cung vàng trong nước, cần giảm cầu vàng đầu cơ tích trữ từ chính hệ thống công ty kinh doanh vàng mới giúp giảm áp lực về vàng.
Trước hàng loạt khó khăn, thách thức đặt ra trong công tác bình ổn, minh bạch thị trường vàng, Chính phủ đã vào cuộc, ban hành "loạt" chỉ đạo nóng. Cụ thể, tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ, ngành liên quan thực hiện giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, không để vàng hóa nền kinh tế.
Đồng thời nghiêm cấm việc lợi dụng thao túng thị trường và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng theo quy định. Khẩn trương thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra thị trường vàng, hoàn thành trong tháng 5 năm 2024.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/5, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến 15/5/2024. Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Thời gian thanh tra 45 ngày.
Thời gian tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp cùng các cơ quan hữu quan sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp tổng thể và toàn diện theo quy định với mục tiêu xử lý dứt điểm tình trạng chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế.
Đánh giá về công tác thanh kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh vàng lần này, ông Nguyễn Quang Huy - cố vấn cao cấp Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự cho hay, trong bối cảnh giá vàng đang có những biến động liên tục, phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng việc phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện đối với thị trường vàng là giải pháp trước mắt cấp thiết và đặc biệt quan trọng.
"Kế hoạch thanh tra lần này kỳ vọng sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý kinh doanh vàng" - ông Nguyễn Quang Huy nói, đồng thời cho biết, qua hoạt động thanh tra sẽ giúp phát hiện những bất cập, vướng mắc của thị trường và xử lý ngay các trường hợp vi phạm pháp luật, tránh tình trạng lợi dụng sự bất ổn của thị trường để đầu cơ, trục lợi, gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Tạo lập khung pháp lý vững chắc
Bên cạnh các hoạt động tăng cường thanh tra, kiểm tra giúp minh bạch thị trường vàng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc liên thông giá vàng trong nước và quốc tế đóng vai trò quan trọng trong "sân chơi" toàn cầu. Do đó, hơn hết, việc tháo gỡ những "điểm nghẽn", ổn định thị trường vàng, bảo đảm các cân đối của nền kinh tế, hạn chế lạm phát đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Để giải "bài toán" này, theo các chuyên gia, việc gỡ "nút thắt" từ chính sách có vai trò quyết định.
Đánh giá về vấn đề này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay vàng là kim loại quý, là loại tài sản đặc biệt không chỉ là đồ trang sức, là của cải tích trữ của nhân dân mà còn là một kênh đầu tư và phục vụ cho dự trữ quốc gia. Bởi vậy, quản lý vàng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quản lý nền kinh tế.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, quản lý vàng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. |
Để quản lý tốt thị trường vàng, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh, cần hoàn thiện chính sách pháp luật, kịp thời sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp. Cụ thể Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng hiện đã "lỗi thời". Đây là thời điểm phù hợp để sửa đổi bổ sung nghị định này của Chính phủ.
"Trước sự phát triển không ngừng của nền kinh tế dẫn đến bối cảnh của các chính sách được thi hành là khác nhau, đòi hỏi phải xây dựng những giải pháp mới nhằm giải quyết tình trạng mất ổn định hiện tại của thị trường vàng, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế" - ông Cường nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay, để giải "bài toán" biến động trên thị trường vàng hiện nay, cần phải có chiến lược căn cơ, tổng thể. Theo ông Phong, Ngân hàng Nhà nước nên tăng nguồn cung bằng cách nhập khẩu một lượng vàng đủ để sản xuất thêm vàng SJC hoặc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng để kéo giá vàng trong nước xuống gần ngang bằng với thế giới.
Bên cạnh đó, cần cần dỡ bỏ độc quyền vàng miếng SJC để doanh nghiệp kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Đồng thời, có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Và đặc biệt, cần xem giải pháp đấu thầu vàng chỉ là biện pháp tạm thời, không phải giải pháp căn cơ, dài hạn.
Nguồn: Công ty CP Dịch vụ trực tuyến Rồng Việt VDOS - Cập nhật lúc 06:17 (20/05/2024) |
Chia sẻ thêm, GS.TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, phương thức quản lý thị trường vàng phải thay đổi, có thể dùng các công cụ điều tiết như thuế, kiểm soát thông tin... và phải xem lại việc cấp quota, hạn ngạch cho phép xuất khẩu bao nhiêu, sử dụng công cụ thuế để điều tiết… Doanh nghiệp nào thấy cần thiết, có hiệu quả thì mới nhập, từ bỏ dần phụ thuộc phương thức quản lý hành chính.
Bên cạnh đó phải mở thêm các thị trường mới, giao dịch trên tài khoản, trên các công cụ tài chính, sẽ hạn chế được thị trường vàng vật chất, giúp tiện lợi hơn, hiệu quả, an toàn hơn, huy động được số lượng vàng lớn trong dân. Từ đó sẽ thay thế dần được thị trường vàng vật chất, vàng miếng tích trữ.
GS.TS. Hoàng Văn Cường cũng đề xuất cần có liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế. Không nên cấp quota theo dạng "xin-cho" mà có thể sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết quan hệ xuất nhập khẩu, đồng thời quản lý để tránh tình trạng ồ ạt dùng ngoại tệ nhập vàng vào cho mục đích khác, làm mất cân đối ngoại tệ, mất khả năng điều hành tỉ giá.
Nhìn chung, theo chuyên gia, sự biến động của kim loại quý này đã từng có tiền lệ và để bình ổn thị trường vàng, nhiều quốc gia đã nhanh chóng điều chỉnh những quyết sách phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho thị trường vàng, Việt Nam cần quyết liệt cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi, toàn diện. Trong đó, cốt yếu là tạo lập khung pháp lý vững chắc, phù hợp để quản lý hoạt động kinh doanh vàng đáp ứng nhu cầu của tình hình thực tế và mục tiêu phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước trên cơ sở định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Bài 3: Quản lý thị trường vàng - nhìn từ quốc tế