Giá vàng liệu sẽ giống như mong muốn của các cơ quan quản lý?
Giá vàng tăng "nóng": Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì? Giá vàng "nhảy múa" tuần qua, người mua vàng lãi hay lỗ? “Cầm cương” giá vàng – Bài 1: Hoa mắt, chóng mặt vì giá vàng "nhảy múa" liên tục |
Thưa chuyên gia, liệu có sự “thông đồng” nào đó giữa giá vàng thế giới và giá vàng ở Việt Nam hay không?
Giá vàng đang ở thời hoàng kim và ở chu kỳ tăng lên khá mạnh. Nếu năm 1944, 1 ounce vàng đổi 35 USD thì hiện nay, giá vàng tăng lên khoảng 70 lần trong 80 năm. Đây là mức giá vàng cao nhất lịch sử. Điều này cho thấy tính đích thực tiền tệ của vàng được khẳng định so với giấy bạc ngân hàng cũng như các phương tiện tiền tệ khác.
Giá vàng tăng cao trên thế giới cho thấy tính bất ổn kinh tế thế giới khá cao, các phương tiện bảo đảm giá trị tài sản giảm độ tin cậy đáng kể và nguy cơ lạm phát "bùng nổ" trở lại là không nhỏ. Tình trạng đóng băng tài sản tại Mỹ bởi các lệnh trừng phạt do xung đột và cạnh tranh chiến lược đòi hỏi thay đổi tư duy dự trữ chiến lược theo đó vàng được ưu tiên cao nhất và an toàn nhất.
Thị trường vàng cần giải pháp bình ổn để không tạo áp lực cho tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh hoạ) |
Hơn nữa, vàng có chức năng tiền tệ thế giới cho nên lưu thông quốc tế diễn ra thuận lợi hơn so với các loại tài sản khác như bất động sản, các loại tài sản tài chính khác và công cụ phái sinh. Quyền lực vượt trội của vàng trong bảo đảm giá trị tài sản làm cho giá vàng tăng liên tục là phù hợp với quy luật. Nếu thiếu cơ chế phối hợp toàn cầu hiệu quả, giá vàng sẽ còn tăng vì đây không phải là mặt hàng thiết yếu để cần quy định giá sàn và giá trần chặt chẽ.
Ở trường hợp thị trường Việt Nam, yếu tố “quyền lực” của giá vàng được thể hiện như thế nào?
Nếu có thêm tác động của đầu cơ và tâm lý đám đông, giá vàng chắc còn tiếp tục đà tăng giá. Hơn nữa, chính sách kích cầu bằng nới lỏng tiền tệ nhất là việc hạ lãi suất đáng kể ở Việt Nam làm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới và quy định nhãn hiệu vàng quốc gia tạo vị thế độc quyền nhãn hiệu này càng thúc đẩy giá vàng tăng vọt. Việc hạn chế nhập khẩu vàng cũng hạn chế nguồn cung đáng kể mặc dù độ mở kinh tế cao, thiếu sàn giao dịch vàng để điều hòa cung - cầu và giá vàng hiệu quả.
PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp, viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) |
Xét tổng thể nền kinh tế với phương trình cân bằng giữa tổng giá cả bằng tổng giá trị thì các giá trị phân bổ hoặc được tạo ra chưa tương xứng thì giá cả phải tăng lên để cân bằng trong đó có giá vàng. Thị trường vàng Việt Nam biến động hoàn toàn phù hợp với quy luật này. Khi giá vàng tăng đột biến, theo quy luật một giá, đồng Việt Nam sẽ giảm giá, thậm chí mất giá tương đối và có thể làm giảm vai trò chính sách tiền tệ, đặt gánh nặng lên chính sách tài khóa, theo đó có khả năng dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô.
Thưa chuyên gia, diễn biến thực tế của giá vàng liệu có giống như mong đợi của các nhà quản lý hay không?
Giải pháp của Chính phủ về tăng cung vàng thông qua đấu thầu trong các đợt như vừa qua là khá thận trọng. Giải pháp này để ổn định tâm lý tránh rơi vào tâm lý đám đông. Tuy nhiên, do quy mô nền kinh tế nhỏ trong nền kinh tế thế giới, Việt Nam không thể kìm được mức giảm giá vàng thế giới mà chỉ cố gắng thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Việc tiếp tục tăng cung là cần thiết và duy trì tiếp theo kể cả đặt giá mở thầu rất cao. Đây là kênh hút tiền mặt trong lưu thông khá hiệu quả. Đồng thời, cần mở rộng quy mô nhập khẩu vàng, bỏ các quy định tạo lợi thế độc quyền cho thương hiệu vàng cụ thể dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng, thiếu thực chất.
Mạnh dạn mở cửa thị trường vàng có điều tiết phù hợp, minh bạch khối lượng giao dịch, thành lập sàn giao dịch vàng tin cậy và quy mô lớn, quy định biên chênh lệch giá vàng trong nước và giá nhập khẩu để tránh tuỳ ý đặt giá theo tâm lý, tăng cường chống đầu cơ trục lợi và chú trọng quản lý thị trường vàng chặt chẽ.
Về lâu dài, cần tiếp tục phát triển thị trường các tài sản khác như bất động sản, trái phiếu và có định hướng tăng lãi suất phù hợp để giảm sự quan tâm quá lớn vào vàng, phân tán dòng tiền từ vàng sang danh mục khác, có chương trình, dự án thu hút đầu tư và công nghệ cao như chất bán dẫn, dự án chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đột phá cơ sở hạ tầng… Cần đồng bộ và quyết liệt hơn trong thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực đa dạng sẽ vừa giảm áp lực lên nhu cầu mua vàng vừa bảo đảm phát triển bền vững kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
Giá vàng đang hội đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để duy trì đà tăng? Báo cáo kinh tế quý I//2024 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, lãi suất thấp như trong giai đoạn 2021- đầu 2022 hay cuối 2023 đến nay là một môi trường lý tưởng để tạo sóng với bất kỳ một loại tài sản nào. Bước sang năm 2024, tạo sóng vàng còn thuận lợi hơn nhờ giá vàng thế giới tăng do bất ổn địa chính trị và kênh chứng khoán, bất động sản không nóng để hút tiền như năm 2021 - 2022. Do đó, có thể nói rằng có cả yếu tố “thiên thời và địa lợi” cho việc tạo sóng vàng. Còn “nhân hòa”? Yếu tố này có lẽ lại còn đơn giản nữa. Tâm lý đám đông rất dễ bị thu hút bởi sóng. Sóng càng cao càng dễ hút tiền. Bong bóng tài sản luôn hình thành bởi tâm lý “bầy đàn” như vậy. Thay vì chứng kiến hàng dài người xếp hàng mở tài khoản chứng khoán của các năm trước, thì rất nhiều người đã kiên nhẫn xếp hàng ở các cửa hàng vàng. Có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, không gì có thể ngăn được sóng. "Trong bối cảnh hiện nay, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để bảo đảm sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối để nhập khẩu vàng mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì. Ngoài việc sử dụng các biện pháp hành chính, công cụ tiền tệ như lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng", báo cáo của VEPR nhìn nhận. |