Hoá giải ''cơn khát'' vàng - Bài 1: Giải mã nghịch lý càng đấu thầu giá vàng càng ''nhảy múa''
Bất ngờ hoãn đấu thầu bán vàng miếng, vì sao? Đấu thầu vàng ế ẩm: Giá khởi điểm quá cao sẽ phản tác dụng? |
Biến động theo từng giờ, phiên sau xô đổ kỷ lục của phiên trước, doanh nghiệp kinh doanh vàng liên tục điều chỉnh giá, hàng dài người xếp hàng chờ mua vàng, cung không đủ cầu khiến vàng bán ra chỉ nhỏ giọt… là những bất thường đang diễn ra trên thị trường vàng. Vậy làm cách nào để hoá giải “cơn khát”? Lành mạnh hoá thị trường vàng, kéo gần khoảng cách vàng trong nước và thế giới... đang là “bài toán” nhiều thách thức, cần lời giải.
“Tắc nghẽn” trong liên thông thị trường trong nước và quốc tế
Năm 2023 được coi là một năm đầy biến động của cả vàng trong nước và thế giới. Trong nước, những ngày cuối năm 2023, giá vàng SJC "nhảy múa" dữ dội. Đầu tháng 12/2023, vàng miếng SJC từng có lúc tăng đến 80,3 triệu đồng/lượng.
Như một con đường không có điểm cuối, sang năm 2024, "cơn sóng" vàng tiếp tục cuồn cuộn trào lên dữ dội. Đỉnh điểm chiều 10/5, giá vàng miếng SJC tăng lên 92,4 triệu đồng/lượng, xô đổ mọi kỷ lục trước đó. Tại thời điểm này, giá vàng thế giới tăng mạnh lên mức 2.351 USD/ounce, tương đương 72,23 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá thế giới và trong nước gần 20 triệu đồng/lượng.
Trước biến động tăng nóng của giá vàng, Chính phủ đã vào cuộc, ban hành hàng loạt chỉ đạo nóng. Ngay sau đó, giá vàng đã giảm mạnh, song vẫn tăng giảm thất thường và tính đến sáng 20/5, giá vàng vẫn neo ở mức cao. Cụ thể, vàng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh neo ở mức 87,7 triệu đồng/lượng mua vào và 90,4 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.416,7 USD/ounce (tương đương gần 74,1 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 16 triệu đồng/lượng.
Sáng 20/5, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở khoảng 16 triệu đồng/lượng. Ảnh: Kitco |
Trao đổi với Báo Công Thương về sự biến động của giá vàng trong thời gian gần đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá: Những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, thị trường vàng trong nước đã và đang ghi nhận những động thái đột phá lạ, với nhiều cái nhất chưa từng có.
"Giá vàng lập đỉnh cao nhất mọi thời đại; chênh lệch cao nhất giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, giá vàng SJC với giá vàng các thương hiệu khác, cũng như giá vàng bán ra-mua vào; biên độ tăng giảm giá trong ngày lớn nhất từ trước đến nay..." - chuyên gia Nguyễn Minh Phong chỉ ra.
Phân tích nguyên nhân, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho hay, động lực chính cho đợt tăng nóng của vàng vừa qua gắn với nhiều yếu tố cả từ bên ngoài và bên trong. Cụ thể, các yếu tố làm tăng giá vàng thế giới gắn với tình hình phát triển kinh tế và lạm phát mỗi nước; các động thái và kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gắn với diễn biến bất định của lạm phát ở Mỹ; sự khó lường của căng thẳng địa chính trị leo thang của xung đột Nga - Ukraine kéo dài... Trong bối cảnh đó, một số ngân hàng, các quỹ đầu tư chuyển sang xu hướng thận trọng hơn sẽ đổ vốn vào vàng.
"Tính đến quý III/2023, ngân hàng trung ương các nước đã mua vào khoảng 800 tấn và có thể vượt 1.000 tấn trong năm nay" - chuyên gia Nguyễn Minh Phong nói.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, giá vàng trong nước cũng chịu ảnh hưởng cùng chiều của các nhân tố trên. Tuy nhiên, chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, cũng như giữa vàng SJC với các vàng thương hiệu khác cho thấy sự “tắc nghẽn” trong liên thông thị trường trong nước và quốc tế, cũng như sự thiếu minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các thương hiệu vàng trong nước.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong |
Các yếu tố làm tăng giá vàng trong nước không chỉ do giá vàng thế giới tăng, mà còn do lãi suất tiết kiệm tiền đồng xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua; thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản trầm lắng.
Nền kinh tế vĩ mô đang trong tình trạng khó khăn, nên các nhà đầu tư bị hạn chế kênh và cơ hội đầu tư để sinh lời cao. Hơn nữa, nguồn cung vàng SJC không có nhiều biến động do Ngân hàng Nhà nước không sản xuất thêm; trong khi niềm tin và kỳ vọng của người dân vào thương hiệu SJC cao tạo áp lực tăng giá mua SJC...
"Đặc biệt, việc Nhà nước vừa độc quyền vàng miếng SJC, vừa không tăng cung SJC đã vô tình biến vàng SJC trở thành một loại tiền tệ ở trong nước. Nói cách khác, giá vàng SJC tại Việt Nam là giá tiền tệ đặc thù chứ không phải là giá vàng nguyên liệu, hoàn toàn phụ thuộc vào cung và cầu trong nước và không hoàn toàn theo biến động của giá vàng thế giới" - chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, tính độc quyền và thiếu minh bạch về vàng SJC cũng tạo ra độ vênh giá rất lớn giữa vàng miếng SJC với nhiều thương hiệu vàng miếng khác, dù chất lượng và trọng lượng tương đương nhau.
Chia sẻ thêm với Báo Công Thương về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho hay, ngoài nguyên nhân khiến giá vàng tăng từ cú hích căng thẳng địa chính trị trên thế giới, do độc quyền vàng miếng, 12 năm không nhập vàng, nhu cầu trong nước không đủ đáp ứng... những điều này đã đẩy giá vàng lên cao. Và có thể nói, cơ chế đã tạo ra một sự cách biệt giữa vàng trong nước và thế giới.
Nghịch lý càng đấu, giá càng tăng
Trước sức hấp dẫn của thị trường vàng và khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn giữa giá vàng nhẫn và giá vàng miếng SJC cũng như giữa giá vàng trong nước và thế giới, nhằm tăng nguồn cung cho thị trường, sau 10 năm, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC.
Qua 7 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường 27.200 lượng vàng miếng. Số lượng đơn vị và khối lượng trúng thầu phiên sau nhiều hơn phiên trước, theo đúng mục tiêu tăng cung thêm vàng miếng ra thị trường.
Thông tin với báo chí về công tác quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại các phiên đấu thầu thành công vừa qua, Công ty SJC đều trúng thầu với khối lượng 2.000 lượng mỗi phiên. Các tổ chức khác dè dặt hơn khi tham gia đấu thầu vàng miếng do lo ngại rủi ro biến động giá và lo “ế” không có nhiều khách mua vàng miếng SJC.
Đánh giá về công tác đấu thầu vàng hiện nay, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, trên thực tế, 3/7 cuộc đã bị hoãn do không đủ thành viên tham gia và 2 đợt đầu chỉ có 2 đơn vị tham gia thành công.
Sự không thành công của các phiên đấu thầu không chỉ thể hiện ở quy mô bán ra khiêm tốn kiểu “nhỏ giọt”, ít người mua, mà còn ở chỗ tạo nghịch lý sau đấu thầu vàng là giá SJC lại tăng cao và giãn cách chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới lại bị đẩy cao lên thay vì mục tiêu phải kéo xuống như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.
Theo ghi nhận của Báo Công Thương từ nhiều người dân và các cửa hàng vàng cho biết, mặc dù vàng liên tục tăng cao song nhu cầu mua vàng của người dân rất cao. Nhiều cửa hàng “treo biển” hết hàng từ 10h sáng, có nơi bán nhỏ giọt |
Đỉnh điểm ngày 10/5, giá vàng miếng SJC tăng vọt tới 3 - 4 triệu đồng/lượng dù giá thế giới đi ngang, và giá vàng trong nước lại cao hơn hẳn so với thế giới đến 20 triệu đồng/lượng. Nghịch lý, hay nói chính xác các doanh nghiệp trúng giá đấu thầu từ Ngân hàng Nhà nước qua các phiên đấu thầu với giá thấp hơn khoảng 1 triệu đồng/lượng so với thị trường ở thời điểm đó và cao hơn 14 - 15 triệu đồng giá quốc tế.
Động thái lạ này không chỉ do giá vàng thế giới tiếp tục diễn biến tăng giảm phức tạp, mà còn cho thấy những bất cập mà cách thức tổ chức đấu thầu tạo ra, thể hiện đậm nét ở các điều kiện tổ chức thầu, cả về điều kiện giá tối thiểu, quy mô mua tối thiểu và thời gian nhận vàng miếng sau đấu thầu và thanh toán...
"Việc lấy giá tối thiểu mời thầu ở mức trên 80 triệu đồng/lượng, xấp xỉ mức giá mua vào của các doanh nghiệp kinh doanh vàng rõ ràng là nguyên nhân hàng đầu khiến giá vàng trong nước không thể thấp hơn giá trước tổ chức đấu thầu" - chuyên gia Nguyễn Minh Phong nói.
Hơn nữa, giá mở thầu cao còn gián tiếp khẳng định giá trong nước trước thời điểm mở thầu là giá hợp lý, bất chấp thực tế cao chênh so với giá thế giới tới cả chục triệu đồng, do tính độc quyền và khan hiếm nguồn cung vàng SJC.
"Việc định giá tối thiểu cao và quy mô bán ra nhỏ giọt đã trực tiếp tạo cơ hội cho doanh nghiệp kinh doanh vàng tạo sức ép buộc người mua chấp nhận giá cao, trong khi chênh lệch với giá thế giới chưa giảm" - chuyên gia Nguyễn Minh Phong nói, đồng thời nhấn mạnh, những điều kiện tham gia đấu thầu dù đã được điều chỉnh ít nhiều, song cách đấu thầu như hiện nay không khác gì “cứu hỏa mà đổ thêm dầu vào lửa”...
Theo các chuyên gia, về mặt lý thuyết, đấu thầu vàng là giải pháp để tăng cung lượng vừa đủ trong dài hạn, qua đó "hạ nhiệt" giá về sát hơn với giá thế giới. Do đó, Ngân hàng Nhà nước hình dung kịch bản một lượng vàng lớn được tung ra sẽ trung hòa được nhu cầu từ thị trường. Qua đó, tạo ra tác động tâm lý khiến người dân e ngại rủi ro, bán ra thị trường, đẩy giá đi xuống. Nhưng thực tế, sau mỗi phiên đấu thầu, giá ngay trong phiên đều quay đầu đi lên bất chấp diễn biến thế giới, trái ngược với lý thuyết.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân |
Phân tích thêm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cho rằng: "Chính việc Ngân hàng Nhà nước bán ra với giá cao hơn cả chục triệu đồng so với giá thế giới đã tạo ra hiệu ứng tâm lý ngược trong ngắn hạn, đẩy giá vàng miếng tăng tốc, lên đến hơn 92,4 triệu đồng/lượng thời điểm ngày 10/5. Với việc tin chắc giá trúng thầu cao bán ra sẽ cao, người dân vẫn xếp hàng tranh mua vàng vì tin rằng, giá vàng còn tăng cao hơn nữa" - PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nói.
Thực tế cho thấy, để tăng cung, bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu, nhưng càng đấu thầu thì giá lại càng tăng, khoảng cách với giá vàng thế giới cũng tăng theo. "Rõ ràng giải pháp đấu thầu là không đạt được mục tiêu. Và có lẽ việc đấu thầu – cụ thể là cơ chế đấu thầu lại là một tác nhân khiến giá vàng tăng” - PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho hay.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, đấu thầu vàng, nếu muốn giảm xuống sát với giá vàng thế giới thì phải đấu thầu ngược. Đơn vị nào trả giá thấp nhất thì người đó thắng thầu. Giá sàn tham chiếu để đấu thầu cũng phải lấy từ giá vàng thế giới chứ không phải là lấy giá trong nước. Ngân hàng Nhà nước có thể giảm mức giá khởi điểm trong các phiên đấu thầu vàng sắp tới, như vậy, doanh nghiệp sẽ tham gia nhiều hơn, cung vàng cho thị trường sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra, trong trường hợp này, rủi ro lại nghiêng về phía Ngân hàng Nhà nước. Có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ rơi vào tình huống bán vàng với giá thấp rồi sau đó phải nhập với giá cao. Vì thế, các phiên đấu thầu vàng chưa mang lại tác động tích cực giúp điều chỉnh thị trường.
Thực tế, sau các phiên đấu thầu, theo ghi nhận của Báo Công Thương từ nhiều người dân và các cửa hàng vàng cho biết, mặc dù vàng liên tục tăng cao song nhu cầu mua vẫn rất lớn. Nhiều cửa hàng “treo biển” hết hàng từ 10h sáng, có nơi bán nhỏ giọt, quy định mỗi người chỉ được mua 3 chỉ vàng nhẫn, 1 lượng SJC.
Trước đà này, nhiều chuyên gia dự báo, loại kim loại quý này vẫn có thể sẽ tiếp tục tăng, thậm chí có thể đạt mốc 100 triệu đồng/lượng trong năm 2024. Theo đó, để lành mạnh hoá thị trường vàng, Việt Nam vẫn cần giải pháp căn cơ hơn với sự đồng bộ, nhất quán, quyết liệt từ Chính phủ tới người dân.
Bài 2: 'Bệnh nan y' cần toa thuốc đặc trị hữu hiệu