Sự bất ổn của thị trường vàng là ''gánh nặng'' cho nền kinh tế
Giá vàng chiều nay 13/5/2024: Vàng SJC “cắm đầu” giảm sốc, trở về mốc hơn 90 triệu đồng/lượng Giá vàng chiều nay 14/5/2024: Vàng SJC tiếp đà giảm sâu tuột khỏi mốc 90 triệu đồng/lượng |
Chỉ trong vài ngày, giá vàng SJC biến động với biên độ rất mạnh, tăng giảm 5-7 triệu đồng mỗi lượng. Người dân vẫn đổ xô nhau mua bán khiến thị trường trở nên bất ổn.
Các chuyên gia cho rằng, dù vàng không còn là phương tiện thanh toán nhưng nếu kéo dài sẽ vẫn gây nhiều hệ lụy đến nền kinh tế.
Đề cập đến vấn đề này tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với Mặt trận, các tổ chức thành viên thuộc Ủy ban Mặt trận tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bình Định trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 14/5, do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tổ chức, cử tri tỉnh Bình Định nêu vấn đề, thời gian gần đây, giá vàng trong nước tăng đột biến. Người dân đang lo ngại tình trạng giá vàng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến điều hành kinh tế.
Theo đó, cử tri tỉnh Bình Định đề nghị, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá lại vấn đề quản lý giá vàng và công tác quản lý giá vàng, không để giá vàng “nhảy múa” như hiện nay.
Trả lời vấn đề cử tri tỉnh Bình Định quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá vàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh. Thực tế khi lượng tiền lớn trong dân bị hút vào việc mua vàng thì nguồn vốn tập trung vào sản xuất, kinh doanh sẽ bị khan hiếm, đẩy lãi suất lên cao, từ đó dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng. Tình trạng buôn lậu vàng sẽ sử dụng đồng đô la, từ đó đồng đô la tăng lên... dẫn đến lạm phát và chảy máu ngoại tệ.
Các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn giá vàng đang tăng mạnh để giảm thiểu những tác động đến kinh tế |
Đồng quan điểm, tiến sỹ Bùi Trinh - Viện nghiên cứu Phát triển Việt Nam phân tích, giá vàng tăng cao là do nguồn cầu lớn, chứng tỏ vàng đang thu hút một lượng lớn tiền tiết kiệm hoặc tiền dư thừa trong dân. Đây chính là dòng tiền có thể dùng để tái đầu tư, sản xuất, thúc đẩy phát triển nền kinh tế.
“Lấy tổng thu nhập trừ đi tiêu dùng thì còn lại tiền tiết kiệm. Tiền tiết kiệm là nguồn lực để tái đầu tư cho chu kỳ sản xuất sau. Vậy mà dòng tiền này lại đổ vào vàng thì sẽ làm cho nền kinh tế hụt đi một nguồn lực phát triển. Hiện người dân có tâm lý chạy theo giá vàng do giá không ngừng tăng. Họ kỳ vọng giá sẽ còn lên nữa và thường sốt ruột trước hiệu ứng đám đông nên họ không có hứng thú với việc tích tiền để tái sản xuất mà đi mua vàng" - ông Trinh nói.
Một chuyên gia khác cũng cho rằng giá vàng tăng cao, hút nguồn tiền lớn, trong ngắn hạn sẽ làm giảm giá trị của các hàng hóa, dịch vụ, kênh đầu tư khác so với vàng. Các doanh nghiệp sản xuất, bất động sản… từ đó bị lu mờ, thậm chí thua lỗ.
Điều này có thế gây ra tác động khiến các doanh nghiệp hạn chế sản xuất. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến nguồn cung ít đi, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên. Từ đó khiến lạm phát tăng trong dài hạn và tác động đến nền kinh tế.
Do đó, theo vị chuyên gia này cần nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn giá vàng đang tăng điên cuồng hiện nay, để giảm thiểu những tác động đến kinh tế.
Thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp quản lý thị trường và giá vàng
Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo ngành ngân hàng để quản lý thị trường vàng. Dù đã có chỉ đạo song giá vàng ngày càng tăng. Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra đấu thầu, hàng chục nghìn lượng vàng đã được cung ứng ra thị trường nhưng giá vàng vẫn liên tục lập đỉnh.
Lý giải về việc giá vàng liên tục "nhảy múa" thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề mấu chốt ở việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập. Thừa nhận vấn đề này tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách vừa diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết: "Tôi chưa bao giờ thấy một thị trường mà giá vàng tăng giảm, đột biến như vậy. Giá vàng "nhảy múa" như vừa qua thì công tác quản lý nhà nước thế nào? Chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới cũng đang quá cao. Để quản lý chặt chẽ thị trường vàng, phải có "bàn tay" của Nhà nước để can thiệp".
Phân tích việc giá vàng tăng cao tác động đến nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng vàng không còn là phương tiện thanh toán nên giá vàng biến động cũng tác động không nhiều đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu kéo dài sẽ vẫn gây nhiều hệ lụy.
Ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: “Giá vàng mấy ngày qua lên đến 91-92 triệu đồng/lượng, điều này sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp và tác động đến lạm phát trong nước. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, theo dõi sát sao diễn biến tình hình trong nước và thế giới, có phương án điều hành linh hoạt, kịp thời để cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát".
Thông tin về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, ngành tài chính rất trăn trở và chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề quản lý vàng. Hiện nay, Chính phủ, Bộ Tài chính và các ngành liên quan thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp quản lý thị trường và giá vàng.
Cụ thể, đối với cửa hàng bán vàng phải xuất hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép một người được mua bao nhiêu chỉ vàng và được sử dụng số tiền mặt nhất định, còn lại chuyển khoản để an toàn cho người mua, kiểm soát việc rửa tiền.
Tập trung thanh tra các tổ chức sản xuất vàng miếng, xem có dùng vàng nhập lậu để sản xuất vàng trang sức hay vàng miếng ra thị trường hay không? Sau đó, nghiên cứu các giải pháp như đưa vàng ra khỏi chính sách tiền tệ mà vàng xem như mặt hàng thương mại để ngang bằng với quốc tế theo cơ chế thị trường; tăng cường nhập khẩu vàng.
"Chúng tôi đang vận hành các giải pháp này phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đảm bảo giá vàng. Về việc quản lý vàng và giá vàng là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, nhưng với trách nhiệm của Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ phối hợp liên quan tới lĩnh vực thuế, lĩnh vực chống buôn lậu, kiềm chế giá vàng, đảm bảo giá vàng để nền kinh tế phát triển một cách bền vững” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Nhằm ổn định thị trường vàng, mới đây văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 213/TB-VPCP ngày 10/5/2024 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012, quy định pháp luật về cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 5 năm 2024, không để chậm trễ hơn nữa. |