Hà Nội: Người dân ''thấp thỏm'' trước những cây cầu dân sinh xuống cấp nghiêm trọng
Hà Nội: Thông xe kỹ thuật cây cầu rộng nhất cả nước TP. Hồ Chí Minh xây 4 cây cầu lớn gần 20.000 tỉ đồng Tổng công ty Khí Việt Nam khánh thành cầu Lung Sậy - Cây cầu nối nhịp bờ vui |
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội, qua rà soát, trên toàn địa bàn thành phố hiện có khoảng 150 cây cầu tạm, cầu yếu, cầu dân sinh xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, cần sửa chữa, nâng cấp hoặc thay thế.
Trong đó, có 55 công trình cầu do thành phố quản lý cần thiết phải đầu tư cải tạo, sửa chữa. Con số này được đưa ra sau quá trình rà soát, đánh giá trên cơ sở hồ sơ quản lý cầu, hồ sơ kiểm định, thử tải.
Sau nhiều năm sử dụng, cây cầu dân sinh ở Kim Ngưu (Hoàng Mai) đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Ngọc Hoa |
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 25/8, nhiều cây cầu dân sinh ở Hà Nội như cầu Cầu Trắng (Giáp Bát, Hoàng Mai), cầu Kim Ngưu (Hai Bà Trưng),...hay những cây cầu lớn như cầu Long Biên, cầu Chương Dương có dấu hiệu xuống cấp sau thời gian dài hoạt động. “Cầu ở đây khá xuống cấp rồi, dù vừa đi vừa lo, nhưng đây là con đường ngắn nhất để rút ngắn thời gian di chuyển của tôi nên đành nhắm mắt đưa lái thật nhanh qua thôi. Lượng người lưu thông qua cầu rất đông, nhất là vào giờ cao điểm. Trong khi cây cầu thiếu kiên cố lại không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời, dẫn đến đổ sập là khó tránh khỏi”, ông Nguyễn Văn Hải - người dân tại quận Hoàng Mai bày tỏ.
Trước thực trạng này, trao đổi với Báo Công Thương, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình - Trưởng đại diện văn phòng công ty tư vấn OCG, Nhật Bản - nhận định, từ những đánh giá thực tế, việc sớm cải tạo sửa chữa, đầu tư thay thế các cầu yếu, cầu tạm trên địa bàn TP. Hà Nội là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch.
Chuyên gia nhấn mạnh đây là thực trạng vô cùng quan ngại do có tác động lớn tới giao thông, thậm chí có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người dân khi qua cầu.
“Gần 150 cây cầu ở Hà Nội được đánh giá bị yếu, xuống cấp là thực trạng đáng quan ngại. Những cây cầu yếu ở Hà Nội phần nào sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân, hoạt động chuyên chở với khối lượng lớn; đặc biệt là tính mạng của người dân khi phải bất chấp nguy hiểm đi qua những cây cầu yếu, cầu tạm”, ông Bình chia sẻ.
Nhiều đoạn lan can trên cầu đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Ảnh: Ngọc Hoa |
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng, trong trường hợp cầu yếu nguyên tắc phải hạn chế chủng loại xe. Cụ thể, ở một số cầu trước đây ô tô có thể lưu thông, nhưng sau khi xác định bị yếu thì phải hạn chế lưu thông hoặc hạn chế tải trọng. Cần ưu tiên sửa gấp những cây cầu có mức độ xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng.
“Tôi hy vọng trong thời gian sớm nhất sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá và phân loại được, tất cả những cây cầu này sẽ được sửa chữa hoặc thay thế mới nhằm đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân, cũng như các hoạt động, sản xuất, kinh doanh khác", TS. Bình chia sẻ.
Theo Sở Giao thông vận tải, hiện nay, kết cấu chịu lực của các cầu yếu trên địa bàn thành phố đã có nhiều hư hỏng. Thứ nhất, đối với cầu bê tông cốt thép, hệ thống dầm bị nứt vỡ, đặc biệt tại các vị trí đầu dầm; lớp phủ mặt cầu, khe co giãn, lan can cũng hư hỏng nặng… Thứ hai, với cầu thép, các dầm và hệ liên kết ngang hầu hết đều bị rỉ sét, dầm chủ nhiều cầu bị đứt gãy, rỉ thủng… không đảm bảo khả năng liên kết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ngoài ra, nhiều cầu có quy mô mặt cắt ngang chưa đồng bộ với quy mô của tuyến đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông như chiều rộng cầu nhỏ hơn chiều rộng của đường đầu cầu, làm tính chất liên tục của tuyến đường giao thông bị co thắt, gián đoạn. Đặc biệt, nhiều cầu chỉ đủ đáp ứng tải trọng của xe thô sơ, xe máy,... không đáp ứng được nhu cầu giao thông hiện tại. Tải trọng bị hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của cả đoạn tuyến.
Cá biệt, có công trình cầu tuy kết cấu đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không cắm biển hạn chế tải trọng, các phương tiện quá khổ, quá tải vẫn thường xuyên lưu thông. Đây là nguyên nhân khiến cầu ngày càng xuống cấp và khó tránh khỏi nguy cơ sập đổ.
Người dân mong muốn được cải tạo những cây cầu xuống cấp ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hoa |
Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã đánh giá, phân loại các công trình cầu tạm, cầu yếu thành 3 nhóm làm cơ sở đề xuất danh mục và thứ tự ưu tiên đầu tư. Trong đó, nhóm 1 là các cầu cần đầu tư xây dựng mới, thay thế cầu cũ; nhóm 2 gồm các cầu còn sử dụng được, cần sửa chữa, cải tạo; nhóm 3 gồm các cầu chưa có phát hiện hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn chịu lực, cần theo dõi, kiểm tra duy tu định kỳ.
Với cầu đầu tư xây dựng mới, việc chuẩn bị sẽ diễn ra trong giai đoạn năm 2024-2025. Giai đoạn từ năm 2026-2030, các cầu sẽ bước vào giai đoạn thực hiện đầu tư bao gồm tổ chức khởi công, thi công xây dựng; bàn giao đưa vào khai thác sử dụng; quyết toán dự án hoàn thành.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhấn mạnh, trong quá trình đầu tư, ưu tiên các cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn giao thông phải được xử lý ngay. Công tác duy tu, cải tạo, sửa chữa cầu yếu còn lại sẽ được thực hiện theo kế hoạch hàng năm đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông.