Thừa Thiên Huế: Nhiều điểm sáng về kinh tế trong năm 2024
Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 (diễn ra từ ngày 10-11/12/2024), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, năm 2024 toàn tỉnh có 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,15%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.840 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 12.880 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 33,1%...
Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế Thừa Thiên Huế năm 2024. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Trong đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,9%; nhiều loại hình du lịch được đưa vào khai thác, nâng chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa di sản. Tổng lượt khách du lịch ước đạt trên 4 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 1,3 triệu lượt; tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 8.500 tỷ đồng. Festival Huế tiếp tục khẳng định vị thế và thương hiệu của thành phố lễ hội. Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế đi vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm và thúc đẩy thương mại phát triển...
Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 10,4% nhờ sản lượng một số sản phẩm chủ lực (bia, sợi các loại, quần áo) tăng và một số dự án tạo năng lực sản xuất mới đi vào hoạt động.
Nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng 3,4%. Sản lượng lương thực có hạt đạt 350 nghìn tấn; năng suất lúa đạt trên 64 tạ/ha. Trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tiếp tục phát triển. Trồng rừng gỗ lớn được chú trọng; tỷ lệ che phủ rừng duy trì trên 57%. Có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng số xã toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới lên 80/94, đạt tỷ lệ 85,1%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34.100 tỷ đồng, tăng 16,9%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 96% kế hoạch, xếp trong nhóm cao cả nước. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước chủ yếu tập trung vào các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2...
Công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Đã cấp phép đầu tư cho trên 39 dự án mới với tổng số vốn đăng ký đạt trên 6.266 tỷ đồng. Có khoảng 800 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký khoảng 5.000 tỷ đồng. Công tác rà soát, kiểm tra, giám sát, xử lý vướng mắc các dự án đầu tư tiếp tục được quan tâm.
Bên cạnh đó đã triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Tập trung hoàn thiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các quy hoạch phân khu…
“Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 8,5 - 9%. GRDP bình quân đầu người từ 3.200 - 3.500 USD. Thu ngân sách tăng 11 - 12% so với năm 2024. Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch 100%. Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường 100%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,2%. Đồng thời, thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả theo các quy định của Trung ương. Trong đó, tỉnh sẽ quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư và kịp thời rà soát, có biện pháp xử lý phù hợp đối với cán bộ năng lực yếu, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế đi vào hoạt động góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm, phát triển thương mại tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cũng chỉ rõ những khó khăn, tồn tại hiện nay tại địa phương cần khắc phục. Cụ thể, hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn đang gặp khó khăn. Hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã chưa thật sự phổ biến, giá trị liên kết còn thấp; sản phẩm OCOP có sự phát triển về số lượng nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Chất lượng, sản phẩm du lịch chưa cao; thiếu các dịch vụ cao cấp, các khu vui chơi, giải trí, cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 4 - 5 sao; nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; thị trường bất động sản vẫn còn gặp khó khăn, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đáp ứng kỳ vọng; nguồn thu tiền sử dụng đất chưa đạt theo kế hoạch. Một số dự án đầu tư ngoài ngân sách đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, khởi công nhưng tiến độ triển khai còn chậm so với kế hoạch…