Hiểm họa từ trào lưu dạy chế pháo, mua bán pháo tự chế trên mạng
Đốt pháo tự chế, nam sinh lớp 6 bị thủy tinh găm vào người Báo động tai nạn do tự chế pháo nổ gia tăng dịp cận Tết Hưng Yên: Bắt đối tượng sản xuất, tàng trữ gần 400 kg pháo tự chế |
Hệ quả kinh hoàng
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024 (từ ngày 29 đến mùng 5 Tết), cả nước ghi nhận 604 ca khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa, tăng 51,4% so với cùng kỳ Tết 2023. Trong số những ca khám, cấp cứu này, có 315 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng 15% so với cùng kỳ Tết 2023.
Thời gian vừa qua, nhiều vụ tai nạn thương tâm do pháo nổ tự chế lại tiếp tục xảy ra để lại hậu quả vô cùng thương tâm, nhẹ thì ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe... nặng thì bị thương tật, thậm chí tử vong.
Anh N.T.A được cấp cứu trong tỉnh trạng bị thương nặng nhưng đã không qua khỏi. Ảnh: TTXVN |
Cụ thể, khoảng 16h30p, ngày 14/11, người dân thuộc tổ 9, phường Quang Trung, TP. Hà Giang bất ngờ nghe một tiếng nổ lớn phát ra tại căn nhà 3 tầng của anh N.T.A (27 tuổi, trú tại tổ 9, phường Quang Trung). Vụ nổ khiến kính ở các ô cửa của ngôi nhà 3 tầng bị vỡ vụn, văng ra khắp nơi. Ngôi nhà hàng xóm bên cạnh cũng bị ảnh hưởng.
Người dân trong khu phố khẩn trương thông báo lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, đồng thời, nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân. Tại ngôi nhà xảy ra vụ nổ, người dân phát hiện anh N.T.A bị thương nặng nằm bên vũng máu, quần áo trên người bị cháy xém. Xung quanh hiện trường còn vương vãi nhiều vật liệu để chế tạo pháo nổ. Người dân lập tức đưa anh N.T.A tới bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, tối cùng ngày, anh N.T.A đã tử vong tại bệnh viện.
Qua điều tra nhanh, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân xảy ra vụ nổ là do anh N.T.A mua thuốc pháo về nhà rồi tự chế. Trong quá trình tự chế, quả pháo bất ngờ phát nổ khiến nam thanh niên N.T.A bị trọng thương.
Trước đó 1 ngày (13/11) tại Bắc Giang cũng đã xảy ra vụ nổ lớn làm 1 người chết.
Cụ thể, khoảng 19h30 ngày 13/11, Công an huyện Lục Nam tiếp nhận tin báo về việc xảy ra vụ nổ tại gia đình anh Bế Văn C., (sinh năm 1991, trú thôn Đồng Mận, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).
Vụ tai nạn khiến anh C. tử vong, nhà ở của anh C. bị bay hoàn toàn, chỉ còn lại 1 bức tường. Ngoài ra không có ai khác trong gia đình anh C. bị thương.
Theo người dân địa phương thì có rất nhiều tiếng nổ lớn, khiến mọi người hoảng sợ. Sau vụ nổ có mùi thuốc pháo, nghi vấn nổ do thuốc pháo.
Mua nguyên liệu, học ‘chế’ pháo trên mạng
Sáng 25/11, Công an thị trấn Hương Khê đã phối hợp với Công an huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, phát hiện và bắt giữ 3 thanh niên gồm Đ.B.D. (16 tuổi), L.V.D. (17 tuổi) và L.A.T. (20 tuổi), đều trú tại huyện Hương Khê, đang vận chuyển 200 quả pháo tự chế.
Nhóm học sinh chế tạo pháo vừa bị bắt giữ. Ảnh: Công an Hà Tĩnh |
Qua quá trình điều tra mở rộng, cơ quan công an đã làm rõ hành vi mua bán và tàng trữ hơn 600 quả pháo tự chế từ 8 học sinh và thanh thiếu niên khác.
Nhóm này có độ tuổi từ 12-23, cư trú tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê và xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Tại cơ quan công an, nhóm thanh thiếu niên này khai nhận đã lên mạng đặt mua các nguyên liệu và học cách chế tạo pháo nổ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, việc mua bán các tiền chất chế tạo pháo hay các clip dạy chế pháo vẫn tràn lan trên mạng xã hội, thu hút các em học sinh thích tò mò, khám phá. Ngoài ra, công thức chế tạo pháo nổ được chia sẻ rất nhiều trên không gian mạng.
Chỉ với từ khóa “pháo nổ tự chế”, dễ dàng tìm thấy hàng trăm clip hướng dẫn cách chế tạo pháo từ A đến Z trên mạng xã hội. Thậm chí mua nguyên liệu ở đâu, pha trộn như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu để pháo nổ to nhất đều được hướng dẫn một cách tỉ mỉ và trực quan. Dễ dàng đến mức một học sinh cũng có thể chế tạo thành công nếu làm theo đúng hướng dẫn.
Những bài đăng xin công thức chế pháo có sức công phá lớn nhan nhản trong các hội nhóm dạy chế pháo trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình |
Trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng loạt hội, nhóm trao đổi, mua bán nguyên liệu chế tạo pháo. Nhiều nhóm đặt tên công khai như: “Hội mua bán kclo3, natri lưu huỳnh” hoạt động mua bán tiền chất chế tạo pháo, sử dụng ngôn ngữ như bán phân bón cho cây trồng...
Khảo sát của phóng viên cho thấy, các tiền chất chế tạo pháo sẽ được bán theo combo hoặc bán lẻ. Nếu bán theo combo thì giả sẽ rẻ, còn bán lẻ thì kclo3 giá 100.000 đồng/1kg, natri 110.000 đồng/1kg, lưu huỳnh, than xay mịn 60.000 đồng/1kg. Nếu khách mua chưa biết pha trộn, người bán sẵn sàng bán sẵn theo tỉ lệ trộn của từng loại pháo, phụ thuộc vào nhu cầu của khách.
Một trong những nhóm nổi tiếng chuyên mua bán, dạy chế pháo là nhóm “Đam mê chế pháo” với hơn 60.000 thành viên. Mỗi ngày có hàng chục bài chia sẻ, hàng trăm bình luận về kinh nghiệm chế tạo pháo đạt hiệu quả cao.
Các tiền chất dùng để chế pháo được rao bán công khai. Ảnh chụp màn hình |
Tại đây, hình ảnh pháo nổ, nguyên liệu chế tạo pháo được rao bán công khai. Hoặc nếu có nhu cầu chỉ cần tham gia vào nhóm là có thể đăng tải thông tin mua các loại thuốc nổ, dây cháy chậm, vỏ pháo… để làm pháo. Không chỉ nguyên liệu, pháo nổ thành phẩm cũng được rao bán với số lượng lớn, giá cả cũng đa dạng tùy vào kích cỡ, tiếng nổ. Thậm chí, nếu người mua có nhu cầu đặt hàng số lượng lớn, yêu cầu mẫu mã cũng có.
Theo ghi nhận của phóng viên, đa phần các đối tượng rao bán pháo nổ tự chế qua mạng đều sử dụng các tài khoản Facebook hoặc các tài khoản Zalo, Telegram không có thông tin chính xác để thuận tiện hoạt động. Hầu hết chủ tài khoản không niêm yết giá bán, địa chỉ cụ thể mà yêu cầu khách hàng nhắn tin riêng, giao dịch online thông qua số điện thoại hoặc tin nhắn trên mạng xã hội. Nhận hàng thông qua các công ty giao hàng hoặc gửi xe khách. Chính sự tinh vi này cũng khiến cơ quan chức năng gặp khó trong việc truy quét, phát hiện ra các hành vi vi phạm.
Tự chế pháo nổ có thể bị phạt đến 15 năm tù
Tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đã có quy định nghiêm cấm các hành vi như sau: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ... Theo đó, tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi tự ý chế tạo pháo nổ trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.
Ngoài ra, hành vi chế tạo, sản xuất pháo hoa trái phép có thể bị truy tố về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Theo đó, mức phạt thấp nhất của tội này là phạt tiền từ 100 triệu đồng - 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Mức phạt cao nhất là phạt tù từ 8 năm đến 15 năm.
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên cũng như hạn chế tối đa những hệ lụy, cơ quan công an khuyến cáo phụ huynh cần quan tâm và giáo dục con em mình, kịp thời phát hiện việc chế tạo các loại pháo nổ để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đồng thời, nhà trường cần phối hợp với công an để rà soát và phát hiện sớm các hành vi chế pháo nổ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền và cảnh báo với học sinh và phụ huynh về sự nguy hiểm của hành vi này.