TP. Hồ Chí Minh xây 4 cây cầu lớn gần 20.000 tỉ đồng
TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường truyền thông, kết nối kinh doanh cho doanh nghiệpCộng đồng doanh nghiệp kiến nghị nhiều vấn đề nóng thúc đẩy tăng trưởng TP. Hồ Chí Minh |
Các cầu: Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Bình Tiên, Tân Kỳ - Tân Quý dự kiến triển khai xây dựng trong một hoặc hai năm tới giúp giảm ùn tắc, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông TP. Hồ Chí Minh.
Phối cảnh dự án cầu Thủ Thiêm 4 |
Cụ thể Cầu Cần Giờ nối hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ dài hơn 3,6 km với 6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án gần 10.000 tỉ đồng, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Tháng 8/2022, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao vốn thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư cầu 500 triệu đồng cho Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh. Hiện Sở GTVT đã lựa chọn xong đơn vị tư vấn lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Công tác lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án dự kiến hoàn tất trong quý 1/2023. Cầu Cần Giờ dự kiến hoàn thành năm 2028 thay thế cho phà Bình Khánh kết nối khu Nam TP. Hồ Chí Minh với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Dự án Cầu Thủ Thiêm 4 nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quận 7 dài gần 2,2 km với 6 làn xe, tổng vốn 5.300 tỉ đồng. Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT. Dự án cầu Thủ Thiêm 4 sẽ được thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm nay, tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi và lựa chọn nhà đầu tư năm 2024. Dự án dự kiến khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2028.
Dự án cầu, đường Bình Tiên dài 3,2 km, rộng 30- 40 m với tổng mức đầu tư hơn 4.100 tỉ đồng, nối quận 6, 8, Bình Chánh. Công trình có điểm đầu tại nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí (quận 6), sau đó băng qua đại lộ Võ Văn Kiệt, kênh Tàu Hủ, đường Cây Sung (quận 8), kênh Đôi, đường Tạ Quang Bửu, rồi chạy qua khu dân cư Bình Hưng trước khi nối vào đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Cầu đường Bình Tiên khi hoàn thành giúp giảm ùn tắc, tăng kết nối vùng TPHCM với các tỉnh miền Tây bởi tuyến đường sẽ nối qua quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3.
Từ cuối năm 2022, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh báo cáo UBND TP. Hồ Chí Minh về việc nhà đầu tư đề xuất đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT. Đơn vị này sẽ tự bỏ kinh phí nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đầu tư dự án nếu thành phố chấp thuận. Nếu dự án được thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm nay, dự án sẽ được tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi và lựa chọn nhà đầu tư để khởi công trong năm 2024.
Đầu năm 2018, cầu Tân Kỳ - Tân Quý khởi công theo hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư hơn 312 tỉ đồng. Cầu dài hơn 80 m cùng đoạn đường dẫn 145 m, có 4 làn xe và cầu thang, lề bộ hành cho người đi bộ rộng 1,5 m, được xây để thay cầu cũ bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát. Tháng 12/2018, cầu Tân Kỳ - Tân Quý đã xong 70% khối lượng nhưng phải ngưng thi công do chưa hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng. TP. Hồ Chí Minh sau đó cũng dừng hợp đồng với nhà đầu tư do dự án không phù hợp Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm dự án BOT trên đường hiện hữu).
Vào tháng 10/2022, HĐND TP. Hồ Chí Minh thông qua Nghị quyết đồng ý chi 491 tỉ đồng để hoàn thành cầu Tân Kỳ - Tân Quý. Dự kiến, năm 2023 thành phố sẽ thanh toán hơn 200 tỉ đồng đã thực hiện cho nhà đầu tư. Dự án sẽ tái khởi động năm 2023 và hoàn thành năm 2024 giúp tăng kết nối với quốc lộ 1, giảm ùn tắc cho cửa ngõ Tây Bắc thành phố.