Đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc: Làm sao tránh “vết xe” đổ đội vốn?
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông được bàn giao, khai thác thương mại Thủ tướng kiểm tra tiến độ đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội Tổng mức đầu tư Đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội tăng hơn 1.900 tỷ đồng |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước, vừa phê duyệt kế hoạch thẩm định dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc (tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc) với chiều dài gần 39km, tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 65.404 tỷ đồng.
Theo kế hoạch của TP Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc sẽ được đầu tư trong giai đoạn từ 2020 - 2025, vận hành thử và bàn giao vào cuối năm 2025, nghiệm thu và thanh quyết toán trong hai năm 2026 - 2027.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chưa thể đưa vào vận hành khai thác |
TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, đồng tình việc việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị Văn Cao – Hòa Lạc. Tuy nhiên, ông cho rằng cần chọn lựa loại hình vận tải sao cho phù hợp để vận chuyển được khối lượng lớn, thuận lợi cho người đi, chi phí thấp.
“Đó là đường đồng bằng, giao cắt ít, không quá phức tạp vì vậy có thể không nên đi trên cao, mà đi dưới mặt đất. Đi dưới đất giúp giảm chi phí gấp 3 lần, và vẫn đảm bảo an toàn, đảm bảo yêu cầu của giao thông đô thị”, TS. Thủy cho biết.
Với điều kiện công nghệ mới và kinh nghiệm đã có, theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, để hoàn thành đi vào hoạt động, dự án có thể phải triển khai ít nhất 10 năm. Bởi, riêng tuyến chợ Bến Thành – Suối Tiên khoảng 25km đã hơn 12 năm.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy cũng khuyến cáo dự án tránh đi theo những vết xe đổ của các tuyến khác, như tuyến Cát Linh – Hà Đông chậm, đội vốn… thì công tác quản lý thật chặt chẽ, phải có kế hoạch, thời gian rõ ràng, cụ thể. Đồng thời phải chọn đối tác thực hiện có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
“Có những nước làm đường sắt đô thị rất giỏi như Séc, Nga chứ không phải chỉ có Nhật, Đức, Pháp… với chi phí giá thành cao. Trong khi đó Séc là nước sản xuất với giá thành rẻ hơn thì lại quên nó đi”, TS. Thủy cho biết.
Mặt khác vấn đề giải phóng mặt bằng cần phải đặc biệt coi trọng, bởi không có mặt bằng dự án không thể triển khai.
“Phải chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, phải có quỹ đất sạch 2-3 năm trước, có những dự án vừa làm vừa giải phóng mặt bằng, công tác giải phóng mặt bằng cực kỳ khó khăn dẫn đến kéo dài nhiều năm không xong, lãng phí đầu tư” - TS. Thủy nói.
Bài học đắt giá từ Cát Linh - Hà Đông
Hà Nội hiện đang triển khai xây dựng 2 dự án đường sắt đô thị là tuyến Nhổn - ga Hà Nội và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, nhưng cả 2 dự án này đều chậm tiến độ, nhiều vướng mắc và tiếp tục đội vốn dẫn tới phải điều chỉnh thủ tục đầu tư.
Vào tháng 5/2023 vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Trong đó, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến năm 2027.
Thủ tướng điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 34.826 tỷ đồng, tăng thêm 1.916 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội tăng 3.895,93 tỷ đồng và vốn vay ODA giảm 1.979,93 tỷ đồng. Dự án này được khởi công năm 2010 và vỡ tiến độ nhiều lần.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông kéo dài nhiều năm, đội vốn đã chính thức đưa vào khai thác năm 2021 |
Đối với dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, vào tháng 8/2023 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có tờ trình Chính phủ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Theo đó, UBND thành phố đề xuất điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư là 35.588 tỷ đồng, tăng 16.033 tỷ đồng (tương đương 82%) so với quyết định phê duyệt dự án vào năm 2008. Dự án cũng xin được đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2009 đến năm 2031. Trong đó, hoàn thành vào năm 2029 và 2 năm đào tạo, vận hành, bảo dưỡng.
Nhìn lại dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông do Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 10/2011, dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành, thế nhưng mãi đến ngày 6/11/2021 mới chính thức đưa vào khai thác, kéo dài qua 5 đời Bộ trưởng, với 12 lần trễ hẹn.
Dự án có tổng chiều dài là 13,05km, toàn bộ đi trên cao. Tổng mức đầu tư ban đầu phê duyệt (năm 2008) là 8.769 tỷ đồng, đến năm 2016, 2017 (QĐ 51/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2016, QĐ 1511/QĐ-BGTVT ngày 25/5/2017) được điều chỉnh lên hơn 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng).
Dự án sử dụng vốn vay Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 4.134 tỷ đồng.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông để lại những bài học thấm thía không chỉ về năng lực quản lý dự án mà quan trọng hơn là bài học về quản trị Nhà nước, ở đây là trong câu chuyện sử dụng vốn vay ODA.