Doanh nghiệp nhà nước kinh doanh trong năm 2022: Nợ phải trả vượt cả vốn chủ sở hữu
Doanh nghiệp Nhà nước đang gánh nợ hơn 1,9 triệu tỷ đồng Làm gì để tăng "sức khoẻ", bảo đảm vai trò dẫn dắt, tiên phong của doanh nghiệp nhà nước? |
Doanh thu tỷ lệ thuận với nợ phải trả
Theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 827 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, trong đó 676 đơn vị có vốn Nhà nước từ 50% trở lên. Qua báo cáo, “bức tranh” về tình hình kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2022 nổi lên nhiều “gam màu” tươi sáng song cũng vẫn còn đó những “khoảng xám”. Theo đó, khối doanh nghiệp nhà nước đang nắm tổng tài sản gần 4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 31% tổng tài sản. Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ vốn chủ sở hữu gần 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021. Trong đó, tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 827 doanh nghiệp là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 3%.
Cũng trong năm 2022, tổng doanh thu của khối doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021. Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con đạt tổng doanh thu hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021, chiếm 91% tổng doanh thu của các doanh nghiệp.
Trong năm 2022, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ - Ảnh minh họa |
Có thể thấy, trong năm 2022, doanh thu của khối các doanh nghiệp nhà nước tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với năm 2021. Song trong năm 2022, các doanh nghiệp nhà nước phải nợ lên tới hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2021. Trong đó nợ ngắn hạn chiếm 56% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp. Cùng với đó là số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước là hơn 391 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021, chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh nội địa. Đồng thời, tổng giá trị các khoản phải thu là hơn 576 triệu tỷ đồng, tăng 15%.
Ở chiều ngược lại, trong năm 2022, lãi phát sinh trước thuế của khối các doanh nghiệp nhà nước đạt 247.905 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, đạt 224.495 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021, chiếm 91% tổng lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỷ suất Lãi phát sinh trước thuế/Vốn chủ sở hữu bình quân chung của các doanh năm 2022 là 13% (năm 2021 là 11%). Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/Tổng tài sản bình quân chung của các doanh nghiệp năm 2022 là 6% (năm 2021 là 5%). Trong đó, có 96/827 doanh nghiệp (chiếm 12% tổng số doanh nghiệp) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 30.134 tỷ đồng. Có 188/827 doanh nghiệp (chiếm 23% tổng số doanh nghiệp) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 76.065 tỷ đồng.
Hiệu quả đầu tư chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ
Đánh giá về tình hình hoạt động kinh doanh của khối các doanh nghiệp, Chính phủ cho rằng, trong năm 2022, nền kinh tế từng bước mở cửa trở lại trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới phục hồi nhưng không đồng đều, chưa bền vững, lạm phát tăng nhanh, thị trường tài chính, tiền tệ biến động mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro…Tuy nhiên, với sự lãnh đạo thống nhất của hệ thống chính trị và sự chỉ đạo điều hành, quyết liệt của chính phủ, sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế xã hội năm 2022 của nước ta vẫn giữ được tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Cơ bản, các doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất khẩu lớn; thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường.
Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ, dù chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ (0,08%) trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế. Quy mô tài sản bình quân của doanh nghiệp có vốn nhà nước là 4.700 tỷ đồng/DN, lãi phát sinh trước thuế bình quân tăng 23%, tạo động lực đáng kể để phát triển kinh tế, đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Đồng thời, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt đầu tư từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội quan trọng của đất nước; góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là các doanh nghiệp đầu tàu, giữ vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp có vai trò lớn trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Các nhà máy điện thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước, như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) chiếm thị phần chủ đạo trong cơ cấu nguồn điện, EVN bảo đảm truyền tải điện cho toàn bộ hệ thống điện quốc gia; thực hiện công tác điều độ điện năng; phân phối điện năng trong cả nước; quản lý vận hành lưới điện nông thôn, các nhà máy điện quy mô, công suất lớn, trong đó có các nhà máy sản xuất điện chiến lược lớn, đa mục tiêu. Đi đầu trong việc thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư dàn trải, không hiệu quả, tiết kiệm chi tiêu, bình ổn giá bán sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo cận đối cung cầu hàng hóa, góp phần ổn định xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Song Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, một số doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. Doanh nghiệp nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam: các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa, như cơ khí chính xác, sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh cho các ngành sản xuất; công nghệ nguồn...
Đặc biệt, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa như kỳ vọng khi phê duyệt dự án, một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công. Đồng thời, một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai; công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không được thúc đẩy. Việc không tạo ra được năng lực tăng thêm này sẽ dẫn đến trong 5 năm tới, đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế sẽ rất hạn chế khi tỷ trọng đóng góp hiện nay vào GDP đang là khoảng 29%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường: pháp luật quy định chi tiết các trường hợp doanh nghiệp phải xin ý kiến chấp thuận hoặc phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan tài chính và các cơ quan có liên quan về quản lý tài chính, huy động vốn, đầu tư ra bên ngoài...Chưa có các chế tài đủ mạnh để mang tính răn đe đối với việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, không hoàn thành/không triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra.