Làm gì để tăng "sức khoẻ", bảo đảm vai trò dẫn dắt, tiên phong của doanh nghiệp nhà nước?
Đổi mới quản trị - yếu tố quan trọng để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiệu quả Doanh nghiệp Nhà nước đang gánh nợ hơn 1,9 triệu tỷ đồng |
Liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2022 có nêu nhận định “các doanh nghiệp nhà nước vẫn đạt được những điểm sáng”.
Những điểm sáng này của doanh nghiệp nhà nước thể hiện trên các lĩnh vực tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất khẩu lớn. Trong đó tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách có mức tăng trưởng hai con số.
Trong bối cảnh hậu Covid-19, sự tăng trưởng của doanh nghiệp nhà nước là điều đáng được ghi nhận, xứng đáng với vai trò dẫn dắt nền kinh tế, điểm tựa cho tăng trưởng.
Tuy nhiên so với nguồn lực nắm giữ cùng vị thế và những kỳ vọng thì rõ ràng là doanh nghiệp nhà nước cho thấy nhiều điểm chưa thật “khỏe” để từ đó tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.
Một trong những điểm chưa thật "khỏe" đó như nhận định trong báo cáo được Chính phủ nêu lên là thời gian qua doanh nghiệp Nhà nước còn ít triển khai các dự án đầu tư mới. Điều này có nghĩa là phần nào làm giảm vai trò động lực cũng như đóng góp của khu vực này với nền kinh tế trong 5 năm tới sẽ rất hạn chế.
Những dự án của các doanh nghiệp Nhà nước trong nhiều năm qua đã thực sự đóng vai trò động lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc ít triển khai các dự án mang tính động lực cũng như tạo giá trị tăng thêm cho nền kinh tế cho thấy khâu quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro của doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự được cải thiện, theo nhận định của các chuyên gia.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: TTXVN) |
Không những vậy việc cổ phần hoá, thoái vốn, tái cơ cấu còn nặng về hình thức trong khi thiếu tính khả thi cũng như chưa sát với thực tế.
Một số chuyên gia phân tích, hiện tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, thậm chí né tránh ở khu vực hành chính có dấu hiệu “lan” sang cả một bộ phận lãnh đạo các doanh nghiệp.
Câu hỏi lúc này là cần làm gì để tăng "sức khoẻ" cho đội ngũ doanh nghiệp nhà nước?
Giải pháp có lẽ phải bắt nguồn từ việc giảm dần sự hiện diện trong nhiều ngành mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn.
Cần nói thêm rằng, quan điểm của Chính phủ về vấn đề này là rất dứt khoát. Các dự án đầu tư dàn trải, ngoài ngành, ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp nhà nước cần được giải quyết dứt điểm, bảo đảm các doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng, hàng hóa dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường.
Ở mức độ cao hơn, Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp nhà nước cần phát huy tối đa nguồn lực đang nắm giữ (khoảng 3,8 triệu tỷ đồng tài sản, đóng góp 29% vào GDP) để phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, doanh nghiệp nhà nước phải là khu vực đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
Cùng đó các doanh nghiệp nhà nước cần đề cao đạo đức doanh nhân, trách nhiệm xã hội; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và quan hệ tốt đẹp với các nước; tập trung đào tạo nguồn nhân lực.
Cũng nhằm tăng “sức khoẻ” cho đội ngũ các doanh nghiệp nhà nước, nhiệm vụ đặt ra tới đây là không chỉ tập trung tái cơ cấu vốn mà còn tập trung cao cho tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Đặc biệt, doanh nghiệp nhà nước phải chủ động vào cuộc cũng như tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực; tích cực tham gia các dự án mang tính đột phá.