Chủ đầu tư Sixsenses Sài Gòn River: Khả năng trả nợ yếu vẫn được Techcombank cho vay tiền tỷ
Năm 2022, Công ty TNHH Hai Dung, chủ đầu tư dự án Sixsenses Sài Gòn River ở Đồng Nai, gây chú ý khi bị người dân căng băng rôn phản đối. Người dân cho rằng Công ty Hai Dung đền bù giá quá bèo, chỉ từ 560.000 đồng/m2. Đây cũng là nguyên nhân khiến công ty này không thể hoàn thành việc giải phóng mặt bằng sau thời gian dài.
Không chỉ có vậy, khoản tiền hơn 1.000 tỷ đồng "người mua trả tiền trước ngắn hạn" bỗng dưng “biến mất” trong báo cáo tài chính năm 2022 của Hai Dung cũng cho thấy hoạt động mua bán tại công ty này không phải không có vấn đề.
Chưa dừng lại ở đó, công ty còn phát sinh một vấn đề lớn. Đó là “khả năng trả nợ yếu”. Nhưng dù đã rơi vào tình cảnh “khả năng trả nợ yếu”, Công ty Hai Dung vẫn được Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho vay vốn.
Khả năng trả nợ yếu
Tại ngày 31/12/2022, Công ty Hai Dung ghi nhận tài sản ngắn hạn chỉ còn 883 tỷ đồng, giảm 590 tỷ đồng, tương đương 40,1% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 425 tỷ đồng xuống 66,3 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm từ 1.041 tỷ đồng xuống 814 tỷ đồng.
Phối cảnh Dự án Khu đô thị Six Senses Saigon River tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai |
Hàng tồn kho tại Hai Dung rất khiêm tốn, chỉ đạt 2,4 tỷ đồng, không có biến động so với cuối năm 2021.
Trong khi đó, nợ phải trả, mà cụ thể là nợ ngắn hạn lại đi lên. Hồi cuối năm 2022, nợ phải trả của Hai Dung tăng nhẹ từ 2.125 tỷ đồng lên 2.296 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn đạt 1.302 tỷ đồng, tăng 90 tỷ đồng, tương đương 7,43%.
Như vậy, hệ số khả năng thanh toán hiện thời của Hai Dung tại ngày 31/12/2022 là 0,68.
Theo lý thuyết, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
Trước đó, hồi cuối năm 2021, hệ số này tại Hai Dung vẫn là 1,22. Đây là mức doanh nghiệp có khả năng cao trong việc sẵn sàng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Techcombank cho vay vốn
Dù Công ty Hai Dung vừa rơi vào tình cảnh "khả năng trả nợ yếu" nhưng công ty vẫn được Techcombank cho vay vốn. Cụ thể, ngày 21/3/2023, Công ty Hai Dung đã ký hợp đồng tín dụng với Techcombank - Khối khách hàng doanh nghiệp quy mô vừa.
Tài sản đảm bảo là toàn bộ quyền đòi nợ và quyền nhận các khoản phải thu mà bên bảo đảm được hưởng theo các hợp đồng mua bán nhà ở riêng lẻ và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của bên bảo đảm phát sinh từ hoặc có liên quan tới các hợp đồng mua bán nhà ở riêng lẻ ký giữa bên bảo bảm và bên thứ ba. Thông tin chi tiết các hợp đồng mua bán nhà ở riêng lẻ theo danh mục đính kèm.
Tài sản bảo đảm còn bao gồm: Toàn bộ số dư trong tài khoản số 19020346417xxx của bên bảo đảm mở tại Techcombank để lưu giữ toàn bộ số tiền thanh toán của các bên có nghĩa vụ trả nợ cho bên bảo đảm và bất kỳ khoản tiền nào khác đã, đang và sẽ được chuyển vào tài khoản này
Đó là 116 hợp đồng mua bán giữa Hai Dung và Công Ty TNHH Địa ốc Công Viên Xanh. Tất cả các hợp đồng này đều được ký trong ngày 29/8 và 30/8/2022.
Tuy nhiên, Công ty Địa ốc Công Viên Xanh thành lập ngày 23/3/2021 với người đại diện pháp luật là bà Trương Thị Thanh Lâm. Ở thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng.
Tới ngày 8/11/2022, hơn 2 tháng sau khi Hai Dung và Địa ốc Công Viên Xanh ký hàng trăm hợp đồng mua bán, Địa ốc Công Viên Xanh mới tăng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng.