Chính sách tiền tệ trong vòng xoáy lạm phát
Vòng xoáy lạm phát sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm nay và năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đang lên kịch bản ứng phó, rất thận trọng với điều hành tín dụng, tỷ giá.
Vất vả giữ mặt bằng lãi vay, khó mạnh tay nới room tín dụng
Không ngoài dự đoán, rạng sáng ngày 16/6 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố điều chỉnh lãi suất cơ bản để đối phó với lạm phát cao kỷ lục trong vòng 41 năm qua. Không chỉ Mỹ, hàng loạt quốc gia trên thế giới cũng đang đối mặt với lạm phát cao kỷ lục. Để đối phó với lạm phát, ngày càng nhiều quốc gia tăng lãi suất điều hành. Nếu năm 2021, toàn cầu chỉ có 113 lượt tăng lãi suất, thì từ đầu năm 2022 đến ngày 13/6, thế giới đã có 144 lượt tăng lãi suất.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước vẫn là thận trọng nới room tín dụng và chưa muốn từ bỏ cơ chế này. |
Tại Việt Nam, dù lạm phát 5 tháng đầu năm vẫn trong mức kiểm soát (2,25%), song Ngân hàng Nhà nước nhận định, áp lực lạm phát nửa cuối năm và năm 2023 là rất lớn, do độ mở của nền kinh tế cao. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước tỏ ra thận trọng với nới room tín dụng.
Ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, theo số liệu thống kê 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng hằng năm của các ngân hàng thương mại luôn trên 20%, vượt xa khả năng cân đối vốn và đe dọa lạm phát, có khả năng dẫn đến vòng xoáy lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay tăng, nợ xấu tăng.
Như vậy, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước vẫn là thận trọng nới room tín dụng và chưa muốn từ bỏ cơ chế này. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả khi bỏ cơ chế cấp room, tín dụng và lãi suất huy động cũng khó có thể tăng nóng.
Theo PGS-TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Trường đại học Kinh tế Quốc dân), nguyên nhân sâu xa của tình trạng đua lãi suất, tín dụng tăng trưởng nóng giai đoạn trước đây là lạm phát. Trong khi đó, lạm phát hiện được kiểm soát khá tốt, doanh nghiệp không còn chấp nhận mặt bằng lãi suất cho vay cao. Hơn nữa, khác với giai đoạn 10 năm trước, NHNN đã có nhiều công cụ để giám sát tăng trưởng tín dụng hơn trước, như hệ số CAR, Basel II, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn..., nên dù có bỏ cơ chế cấp room, thì tín dụng cũng khó tăng nóng.
Các chuyên gia phân tích của Ngân hàng HSBC cũng cho rằng, dù áp lực tăng giá năng lượng rất lớn, song giá thực phẩm trong nước ổn định sẽ khiến lạm phát của Việt Nam năm 2022 không phải là vấn đề đáng ngại. Trong báo cáo vừa mới công bố, HSBC đã giảm dự báo lạm phát của Việt Nam năm nay từ mức 3,7% về 3,5%.
Sau khi xem xét cả hai vấn đề lạm phát và tăng trưởng, HSBC dự báo, NHNN sẽ tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2022 trước khi tăng lãi suất 3 lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm 2023. Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, năm nay, NHNN sẽ chưa điều chỉnh lãi suất điều hành, do lạm phát vẫn đang trong mức kiểm soát và Chính phủ vẫn yêu cầu hệ thống ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay.
Trả lời chất vấn Quốc hội mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực lớn từ bên ngoài, song mặt bằng lãi suất cơ bản được ổn định, chỉ tăng 0,09% so với cuối năm 2021.
Ổn định tỷ giá: Lấy bất biến ứng vạn biến
Nếu nguy cơ lạm phát ảnh hưởng lớn đến tín dụng và lãi suất, thì việc Fed vừa tăng lãi suất tác động không nhỏ đến tỷ giá trong nước. Giữa tuần này, chỉ số USD đã lên tới 105%, tăng trên 9% so với cuối năm 2021. Đồng bạc xanh tăng giá mạnh so với các đồng tiền cơ bản trên thế giới khiến các đồng tiền trong khu vực đều mất giá mạnh: nhân dân tệ mất giá 5,3%; won Hàn Quốc mất giá 4,7%, USD Đài Loan mất giá 6%, baht Thái Lan mất giá 3,4%, yên Nhật mất giá đến gần 16%... Đây là những đối tác có mối quan hệ thương mại, đầu tư rất lớn với Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, VND từ đầu năm đến nay chỉ mất giá nhẹ 1,8%, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định.
“Ngân hàng Nhà nước thực hiện đúng chủ trương ‘dĩ bất biến, ứng vạn biến’ trong điều hành tỷ giá, lãi suất nhằm đảm bảo mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát theo đúng Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Để đảm bảo điều đó, các giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra rất đa dạng, sử dụng đồng bộ các công cụ, từ lãi suất, thanh khoản, tín dụng, tỷ giá...”, ông Phạm Chí Quang cho hay.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, tỷ giá trong nước đã nhiều phen dậy sóng theo đà tăng của đồng bạc xanh trên thị trường thế giới. Song biến động tỷ giá chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng ổn định trở lại.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam đánh giá, chính sách tỷ giá của Ng ân hàng Nhà nướctiếp tục được vận động theo hướng linh hoạt, thích ứng với những biến số mới trên thị trường, sẽ giúp xu hướng trung và dài hạn của tỷ giá ổn định hơn.
Theo đánh giá của giới phân tích, dù áp lực lên tỷ giá là rất lớn, song với “tấm đệm” an toàn như dự trữ ngoại hối, thặng dư thương mại, kiều hối, vốn FDI... liên tục gia tăng, tỷ giá năm nay chỉ biến động xoay quanh mức 1- 2%, những đợt “sóng” tỷ giá trên thị trường nửa cuối năm - nếu có - chỉ mang tính thời điểm.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Trong 6 tháng cuối năm, áp lực lớn nhất với chính sách tiền tệ là lạm phát. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tính toán để đưa ra các phương án, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác với mục tiêu ưu tiên là kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu mong muốn đề ra. Đồng thời, NHNN sẽ điều hành tín dụng tăng trưởng hợp lý trên cơ sở kiểm soát được lạm phát, ưu tiên cung ứng vốn cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn do Covid-19, tạo điều kiện nhanh khôi phục nền kinh tế. |