Kita Invest: Gánh khối nợ khổng lồ, khả năng trả nợ yếu vẫn được rót vốn
Gánh khối nợ khổng lồ, khả năng trả nợ yếu
Là thành viên của Kita Group, Công ty cổ phần Kita Invest (Kita Invest) là một trong những ông lớn bất động sản trên thị trường với dự án nổi bật là Stella Mega City tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Stella Mega City có quy mô 150ha, tổng số sản phẩm là 5.000 lô đất nền, có diện tích từ 80-170m2 bao gồm nhà phố liền kề, shophouse, biệt thự, căn hộ chung cư. Tổng vốn đầu tư tại dự án này là 8.000 tỷ đồng.
Hiện tại, trên thị trường, các sản phẩm dự án này có giá cao ngất ngưởng từ 12 tỷ đồng tới 16 tỷ đồng cho một căn shophouse, 2,5 tỷ đồng tới 4,6 tỷ đồng cho một nền đất, tùy từng vị trí.
Những con số này hứa hẹn nguồn tiền dồi dào cho Kita Invest. Tuy nhiên, trên thực tế, Kita Invest lại mất cân đối tài chính khi mà nợ cao vượt trội so với vốn. Nợ cao tới mức công ty nhiều năm liền rơi vào tình cảnh khả năng trả nợ yếu.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, chỉ tiêu Nợ phải trả của Kita Invest đạt 13.945 tỷ đồng, tăng 3.522 tỷ đồng, tương đương 33,8% so với cuối năm 2022. Nợ cao gấp 11,6 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 92,1% tổng tài sản. Có thể thấy hoạt động của Kita Invest chủ yếu được tài trợ bởi nợ.
Không chỉ gánh khối nợ khổng lồ, vấn đề nợ của Kita Invest còn đáng chú ý hơn khi phần lớn tập trung ở nợ ngắn hạn, điều khiến áp lực trả nợ là cao.
Hồi cuối năm 2023, nợ ngắn hạn của Kita Invest là 8.343 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nợ. Trong khi đó, Tài sản ngắn hạn chỉ đạt 6.598 tỷ đồng. Như vậy, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời chỉ là 0,79.
Theo lý thuyết, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 “thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.
Trước đó, hồi cuối năm 2022, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời của Kita Invest thậm chí còn thấp hơn khi chỉ đạt 0,7.
Phối cảnh một phần dự án Stella Mega City. Ảnh: Kita Group |
Vẫn được rót vốn
Dù Kita Invest liên tục rơi vào tình cảnh “Khả năng trả nợ yếu” nhưng đại gia bất động sản này vẫn được Ngân hàng rót vốn.
Cụ thể, ngày 22/3/2022, Kita Invest ký hợp đồng với một ngân hàng. Tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng quyền tài sản của dự án Khu đô thị Nam Thăng Long.
Ngày 22/6/2023, Kita Invest ký hợp đồng tín dụng với một chi nhánh Chi nhánh. Ngày 14/7/2023, Kita Invest ký hợp đồng với Chi nhánh Sở giao dịch 2. Ngày 14/7/2023, Công ty TNHH Ngân Thuận ký hợp đồng tín dụng với Chi nhánh Sở giao dịch 2 (Kita Invest cũng xuất hiện trong hợp đồng với tư cách là một trong hai bên đảm bảo). Tài sản đảm bảo của các hợp đồng này là một số tài sản liên quan đến dự án Stella Mega City.
Ngày 30/8/2023, Kita Invest ký hợp đồng với Chi nhánh ngân hàng ở Cần Thơ, ngày 13/5/2024, ký hợp đồng với Chi nhánh Sài Gòn. Tài sản đảm bảo là tài sản liên quan dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng trên lô đất CT05, CT06 thuộc Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long
Không thể thanh toán trái phiếu đúng hạn
Trước khi được dồn dập rót vốn, Kita Invest đã phát hành thành công trái phiếu và không thể thanh toán đúng hạn.
Cụ thể, từ năm 2020, Kita Invest gây chú ý khi phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu trong vòng vài tháng. Các lô trái phiếu này đều đến hạn trong năm 2023.
Cho tới nay, Kita Invest đã mua lại được một phần trái phiếu. Tuy nhiên, vẫn có những lô Kita Invest không thể thanh toán đúng hạn.
Ngày 27/10/2023, Kita Invest thông báo kéo dài kỳ hạn lô trái phiếu KITA.BOND2020.03 từ ngày 5/11/2023 tới 5/5/2025. Giá trị trái phiếu thay đổi kỳ hạn là 400 tỷ đồng.
Ngày 25/7/2024, Kita Invest thông báo kéo dài kỳ hạn lô trái phiếu KITA.BOND2020.07 từ ngày 30/7/2024 tới ngày 30/7/2025, giá trị lô trái phiếu này là 200 tỷ đồng; kéo dài kỳ hạn lô trái phiếu KITA.BOND2020.08 từ ngày 30/7/2024 tới 30/7/2025, giá trị lô trái phiếu này là gần 396 tỷ đồng.