Hướng đi nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam phát triển?
Cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển sản phẩm Bệ đỡ cho doanh nghiệp khởi nghiệp Lửa thử vàng, gian nan thử… start-up |
Startup đối mặt với nhiều thách thức
Các chuyên gia của Ngân hàng thế giới cho biết, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) đổi mới sáng tạo có thể đóng vai trò động lực tăng trưởng năng suất cho khu vực tư nhân ở Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có ý nghĩa với các quốc gia thu nhập trung bình như Việt Nam, vì tăng trưởng năng suất trong tương lai của các nước này ngày càng dựa trên đổi mới sáng tạo và hấp thụ công nghệ.
Chính vì vậy, nhu cầu cấp thiết hiện nay là các nhà hoạch định chính sách cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có năng suất cao hơn và đổi mới sáng tạo gia nhập thị trường.
Mặc dù Việt Nam đã hình thành được các doanh nghiệp mới, tăng trưởng cao, nhưng năng suất của các doanh nghiệp trong nước còn thấp, và điều đó có thể ảnh hưởng đến nguyện vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: totempool |
Để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, các đơn vị cần có môi trường thuận lợi để hoạt động dưới hình thức “hệ sinh thái khởi nghiệp”. Nói cách khác, đó là một loạt các yếu tố thể chế, chính sách và thị trường nhằm nuôi dưỡng và tạo thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức liên quan đến quy định.
Cụ thể, thủ tục hành chính để xin giấy phép con trong một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn phiền hà, làm tăng chi phí vận hành doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, khung pháp lý về đăng ký thành lập quỹ đầu tư trong nước còn hạn chế và chưa tạo động lực cho các nhà đầu tư. Các cơ quan và quỹ của Nhà nước ở Việt Nam không được phép tham gia hoặc đầu tư vào quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc quỹ đầu tư cổ phần, gây ảnh hưởng đến dòng vốn trong nước dành cho các doanh nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, xuất hiện sự thiếu đồng bộ và mâu thuẫn trong khung chính sách về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam gây cản trở quá trình lan tỏa tri thức và công nghệ cho khu vực tư nhân. Việt Nam đã triển khai những cải cách cơ cấu quan trọng về thị trường sản phẩm, nhưng khả năng tiếp cận vẫn chưa đồng đều.
Đồng thời, chi phí logistics vẫn ở mức cao và tình trạng mất điện theo mùa vụ vẫn diễn ra ở miền bắc Việt Nam trong hai mùa hè vừa qua làm dấy lên quan ngại về độ tin cậy của nguồn năng lượng.
Dù số lượng các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp như các trung tâm vườn ươm, tăng tốc khởi nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo đang tăng lên nhưng chất lượng dịch vụ chưa cao.
Khuyến nghị của Ngân hàng thế giới để hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam "bật cao nhảy xa"
Để các doanh nhân khởi nghiệp phát triển hưng thịnh, họ cần có môi trường tạo điều kiện thuận lợi. Hiện nay đang có những thách thức gây cản trở sự gia nhập và phát triển của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm môi trường pháp quy phiền toái và lạc hậu, thiếu hụt kỹ năng ngày càng lớn, những khó khăn trong tiếp cận tài chính, đặc biệt đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngoài lĩnh vực công nghệ số. Nhiều ngành nghề - như giáo dục, dịch vụ tài chính, y tế và logistics - cũng bị ảnh hưởng do chi phí gia nhập cao và sự bất định trong các quy định.
Nhu cầu đặt ra là cần tiến hành biện pháp trên nhiều mặt nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm thiếu hụt nguồn tài chính cho đổi mới sáng tạo, loại bỏ rào cản gia nhập và phát triển.
Vì vậy, cần làm thêm nhiều việc để hiện thực hóa tiềm năng của các doanh nghiệp trên toàn bộ nền kinh tế, bao gồm tái định hướng cho hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp thông qua áp dụng công nghệ và các giải pháp số, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, phát triển kỹ năng, cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp và tiếp cận tài chính.
Cần có môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam vươn xa hơn. Ảnh: ISEV |
Cụ thể, tái định hướng Đề án 844 nhằm hướng tới tạo nguồn doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẵn sàng tiếp nhận đầu tư. Các chuyên gia của Ngân hàng thế giới đề xuất thiết kế chương tình đồng tài trợ của nhà nước nhằm thu hút các đơn vị tư nhân và công ty quản lý quỹ đủ tiêu chuẩn để vận hành tổ chức trung gian khởi nghiệp (trung tâm vườn ươm, tăng tốc khởi nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo).
Ngoài ra, xử lý những rào cản quy định qua cải cách rút gọn thủ tục. Trong đó, đề xuất sửa đổi quy định (Nghị định số 38) nhằm hình thành đội ngũ nhà đầu tư mạo hiểm trong nước. Thí điểm cơ chế trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), mở rộng sang các lĩnh vực khác nếu thành công và đơn giản hóa thủ tục đầu tư bên trong và bên ngoài với đầu tư nhỏ trong các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Xa hơn là nâng cao đóng góp cho nghiên cứu trong khu vực Nhà nước nhằm tạo nguồn doanh nghiệp khởi nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu trên cần hiện đại hóa cơ chế về chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ cho phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt nhất. Áp dụng các chỉ tiêu liên quan đến thương mại hóa nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phối hợp trong cơ chế phát triển sự nghiệp, tăng lương cho cán bộ nghiên cứu của Nhà nước. Đồng thời, tăng cường năng lực về thương mại hóa, chuyển giao công nghệ tại các trường đại học và viện nghiên cứu chủ chốt của Nhà nước.
Trong thập kỷ qua, tăng trưởng năng suất đã và đang chủ yếu nhờ vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn khu vực tư nhân trong nước vẫn đi sau. Mặc dù số lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng mạnh trong thập kỷ qua, nhưng các doanh nghiệp này thường nhỏ hơn, có năng suất và năng lực đổi mới sáng tạo thấp hơn so với các doanh nghiệp vốn nước ngoài (FIE) và ít hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân trong nước đều là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ có năng suất tương đối thấp như nhà hàng, buôn bán nhỏ lẻ, và tham gia các hoạt động chế tạo chế biến đơn giản để phục vụ thị trường trong nước là chính, chưa nhằm vào các cơ hội xuất khẩu. Vì vậy, Việt Nam cần nâng cao năng suất của khu vực tư nhân trong nước nhằm hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 khi các động lực tăng trưởng truyền thống đang dần không còn nữa. Tích lũy vốn bị hạn chế vì đầu tư công tương đối thấp do chính sách tài khóa thận trọng và những thách thức trong triển khai, trong khi đó đóng góp của nguồn cung lao động dự kiến sẽ giảm xuống do lực lượng lao động đang già hóa nhanh chóng. |