Cảng hàng không Thọ Xuân đang quá tải, cần sớm phải 'lên đời'
Sân bay duy nhất của tỉnh Thanh Hóa: Trên 11 năm tuổi, đón đưa hàng triệu hành khách mỗi năm Quyết tâm về đích đúng hẹn Dự án đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành |
Theo tờ trình Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Thọ Xuân của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa để xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, sau hơn 10 năm đưa vào khai thác, Cảng hàng không Thọ Xuân đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh Thanh Hóa. Việc kết hợp khai thác lưỡng dụng trong giai đoạn đầu đã cho thấy hiệu quả của việc khai thác kết cấu hạ tầng hiện hữu các sân bay quân sự vào mục đích dân dụng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng khách qua cảng đã vượt công suất thiết kế (trong đó, lượng hành khách năm 2022 cao nhất đạt 1,5 triệu hành khách/năm, vượt 25% công suất), trong khi nhà ga T2 chưa được triển khai đầu tư. Đường lăn, đường cất hạ cánh đã khai thác trên 40 năm (vượt xa tuổi thọ thiết kế công trình trung bình khoảng 20 năm), chất lượng mặt đường băng và khả năng chịu lực đã xuống cấp; các hư hỏng xuất hiện nhiều.
Cảng hàng không Thọ Xuân hiện đang quá tải, việc 'lên đời' là rất cần thiết. Ảnh: Đình Minh |
Trong khi đó, Cảng hàng không Thọ Xuân được xác định trong quy hoạch là Cảng hàng không quốc tế, có chức năng dự bị cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân sự và quân sự. Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đạt cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, với 2 đường cất hạ cánh đáp ứng công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm.
Theo Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Thọ Xuân, với công suất quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 5 triệu hành khách/năm, việc "lên đời" Cảng hàng không Thọ Xuân nhằm bảo đảm công suất khai thác theo quy hoạch xây dựng đường cất hạ cánh số 2, nhà ga T2; quy mô và nhu cầu vốn đầu tư khoảng 8.200 tỷ đồng, nhằm thực hiện các hạng mục gồm: Cải tạo nâng cấp, mở rộng nhà ga T1 đạt công suất 1,5 triệu lượt hành khách/năm kết nối đồng bộ với nhà ga T2 xây dựng mới. Sân đỗ tàu bay mở rộng lên 16 vị trí tàu bay, đáp ứng công suất 5 triệu lượt hành khách/năm...
Đầu tư xây dựng mới hệ thống quản lý, điều hành bay (hệ thống ILS, CAT) cho đường cất hạ cánh số 2; đầu tư xây dựng mới nhà ga T2 (ga quốc tế) công suất đáp ứng 3,5 triệu lượt hành khách/năm, nâng tổng công suất lên 5 triệu lượt hành khách/năm.
Tại Hội nghị Ban Thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa vào chiều ngày 17/12/2024, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh cho biết, Cảng hàng không Thọ Xuân có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa, mà còn tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa thống nhất và tham gia ý kiến về Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Thọ Xuân. Ảnh: Minh Hiếu |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng cơ bản thống nhất với tờ trình Đề án của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và đề nghị, trên cơ sở Quyết định 1121 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản, ý kiến chỉ đạo liên quan và ý kiến tại hội nghị, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh Đề án. Đồng thời chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong xử lý tài sản và bố trí nguồn vốn đầu tư để triển khai các bước tiếp theo.
Ngoài ra, để triển khai Đề án đảm bảo khả thi, cần phải giải quyết tốt các vấn đề về xử lý tài sản trên đất hiện có tại Cảng hàng không Thọ Xuân; có cơ chế phối hợp đảm bảo hoạt động bay khi tàu bay từ đường cất hạ cánh số 2 lăn qua đường cất hạ cánh số 1; đồng thời phải tháo gỡ được các vướng mắc về pháp lý đối với việc bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Để gia tăng tính hiệu quả của nguồn vốn và giải quyết một số vấn đề mang tính kỹ thuật, đề nghị cần sửa đổi Đề án theo hướng điều chỉnh nguồn vốn thực hiện PPP và phân chia dự án thành dự án thành phần tương ứng với nguồn vốn đầu tư.