Doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo 'loay hoay' tìm thị trường xuất khẩu
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo "hút" hơn 60% tổng vốn đầu tư nước ngoài 5 tháng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 15% so với cùng kỳ Công nghiệp bán dẫn của Việt Nam vượt 6 tỷ USD vào cuối 2024? |
Cơ hội tiếp cận các thị trường mới
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành xương sống của quá trình tăng trưởng xuất khẩu, chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong toàn bộ ngành công nghiệp. Tuy nhiên, con đường phía trước còn nhiều gian nan. Việc Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, cùng với việc nhiều quốc gia khác siết chặt kiểm soát đối với hàng nhập khẩu, đang tạo ra những trở ngại đáng kể cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đối diện hàng loạt rào cản khắt khe từ thị trường nhập khẩu. Ảnh: M.H |
7 tháng của năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực trong xuất khẩu với trị giá hơn 192 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Bộ Công Thương, tình hình phục hồi công nghiệp của trong 7 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Chỉ số PMI tháng 7/2024 ngành sản xuất đạt 54,7 điểm, tăng 4 tháng liên tục và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018. Tốc độ tăng sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 7 cao hơn tháng 6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2011.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) sau 7 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức lũy kế cao nhất kể từ tháng 2/2024 đến nay, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 9,5%.
Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở 60/63 địa phương trong tháng 7, chỉ có 3 địa phương ghi nhận giảm. Một số địa phương có mức tăng trưởng cao như Khánh Hòa, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Chỉ số tiêu thụ lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao giúp kéo giảm chỉ số tồn kho so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước như thép thanh, thép góc, vải dệt từ sợi tự nhiên, thép cán, phân hỗn hợp NPK, điện sản xuất...
Đánh giá về những kết quả đã đạt được của ngành tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho hay, kết quả tăng trưởng của công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng đã cho thấy bức tranh rất tích cực của nền sản xuất trong nước. Sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ so với năm 2023 và tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở lại đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
"Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã khôi phục rất tích cực và sẵn sàng để tận dụng những cơ hội tiếp cận các thị trường mới trong thời gian tới" - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, trong thời gian tới, có 4 thách thức mà nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng sẽ phải đối diện, như nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu; sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện; tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường; thị trường trong nước tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ, chỉ số giá trong nước chịu áp lực tăng sau khi thực hiện một số chính sách mới.
Hàng loạt rào cản khắt khe từ thị trường nhập khẩu
Thực tế cho thấy, mặc dù nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ đạo trong cơ cấu kim ngạch xuất nhập khẩu, song lĩnh vực then chốt này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản.
Đơn cử, với ngành dệt may Việt Nam, tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2024, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trên 85% năng lực sản xuất của dệt may là phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành hàng này cũng đang phải thích ứng với sự thay đổi liên tục của chính sách, quy định đối với hàng nhập khẩu tại các thị trường xuất khẩu chính.
“Ngành dệt may rất cần các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài sớm thông tin về những chính sách mới của thị trường liên quan để doanh nghiệp biết và tránh được thiệt hại. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng như các địa phương cần thúc đẩy thực hiện Quyết định 1643/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 để hình thành tổ hợp, khu công nghiệp dệt may lớn để có thể sản xuất nguyên, phụ liệu đáp ứng cho xuất khẩu của ngành”, ông Cẩm kiến nghị.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas). Ảnh: Nguyễn Cúc |
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, đằng sau bức tranh tươi sáng, các doanh nghiệp da giày Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức đáng kể. Một trong những trở ngại lớn nhất là các quy định hạn chế của các nước nhập khẩu.
Ví dụ, tại Ấn Độ, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các điều kiện kiểm soát trực tiếp và phải được cấp giấy chứng nhận mới có thể xuất khẩu vào thị trường này. Quá trình thực hiện yêu cầu này đang gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra, ngành da giày còn đối mặt với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá ở một số thị trường tăng trưởng đột biến, chẳng hạn như Mexico.
Để khắc phục những trở ngại này và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, theo các chuyên gia, cần phải có những giải pháp toàn diện và sáng tạo. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần thích ứng với những quy định mới từ đa dạng các thị trường khó tính, trong khi đó, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách cải cách chính sách và thúc đẩy đầu tư vào sản xuất trong nước.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai 4 nhóm giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp. Trong đó, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua, từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép… tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.