Công tác tiết kiệm, chống lãng phí: Phát huy tinh thần trách nhiệm của tất cả mọi người
Chống lãng phí: Tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Thực hành tiết kiệm: Chống lãng phí song hành cùng chống tham nhũng |
Đây là chia sẻ của giới chuyên gia, doanh nghiệp tại Diễn đàn: “Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển”, do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 23/12, tại Hà Nội.
Đại biểu tham dự Diễn đàn: “Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển” |
PGS.TS Lê Hải Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Chống lãng phí không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là trách nhiệm xã hội
PGS.TS Lê Hải Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản |
Từ thực tiễn ở một số quốc gia như: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… PGS.TS Lê Hải Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - cho hay: Các quốc gia đều thực hành việc chống lãng phí dựa trên một số yếu tố mang tính căn bản. Đó là một hành lang pháp lý chặt chẽ kết hợp với công nghệ hiện đại trong quản trị nguồn lực, từ giáo dục và nâng cao ý thức người dân, cùng với quyết tâm mãnh mẽ của chính phủ. Các quốc gia phát triển đã chứng minh phòng chống lãng phí không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là trách nhiệm xã hội. Chống lãng phí không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là sự thay đổi trong văn hóa, quan niệm và nhận thức.
TS. Nguyễn Xuân Trường – Vụ trưởng Vụ Địa phương I – Ban Nội chính Trung ương: Tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về công tác phòng, chống lãng phí
TS. Nguyễn Xuân Trường – Vụ trưởng Vụ Địa phương I – Ban Nội chính Trung ương |
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống lãng phí, góp phần tích lũy, gia tăng tiềm lực phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống lãng phí, tập trung tuyên truyền về các nội dung: Hậu quả, tác hại của lãng phí; ý nghĩa, tầm quan trọng của phòng, chống lãng phí đối với kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là người đứng đầu trong phòng, chống lãng phí; nội dung phòng, chống lãng phí gắn với từng lĩnh vực cụ thể; cách thức thực hiện phòng, chống lãnh phí. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về công tác phòng, chống lãng phí, hình thành phong trào toàn Đảng, toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, “xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng, bổ sung thể chế về phòng, chống lãng phí, trong đó, quy định về hành vi lãng phí cần tập trung phòng, chống; trách nhiệm của ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, nhất là người đứng đầu trong phòng, chống lãng phí…
Đồng thời, tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi gây lãng phí lớn tài sản công; nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan có chức năng phòng, chống lãng phí.
Đại tá Nguyễn Hữu Sơn - Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an): Lãng phí còn hiện diện ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực
Đại tá Nguyễn Hữu Sơn - Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) |
Từ kết quả công tác phòng ngừa và thực tiễn điều tra các vụ án liên quan đến đầu tư công, quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế trọng điểm thời gian qua, Đại tá Nguyễn Hữu Sơn - Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) chia sẻ, còn nhiều hạn chế trong công tác phòng, chống lãng phí, gây thất thoát nghiêm trọng nguồn lực của Nhà nước và nhân dân. Lãng phí còn hiện diện ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Đại tá Nguyễn Hữu Sơn kiến nghị một số giải pháp để cải thiện, đó là: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (trọng tâm là Điều 31, 32, 40 và 54 trong Quy định số 69, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị); thể chế hóa và quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí; đồng thời tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề ở tất cả các cấp đối với các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí; thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, giám sát chéo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên nguyên tắc minh bạch về thời gian, tiến độ thực hiện; quy định đầy đủ, gắn trách nhiệm quản lý sai phạm liên đới đối với người đứng đầu tổ chức, đơn vị nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả làm việc của từng cá nhân; xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong phân bổ và sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội dễ nảy sinh lãng phí như: Đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng; mua sắm; quản lý tài sản công; các chương trình dự án khoa học và công nghệ; giáo dục… để sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với hành vi lãng phí.
Chủ động thực hiện các biện pháp tự phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xảy ra trong cơ quan, đơn vị… Đồng thời chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề ở tất cả các cấp đối với các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí. Trường hợp phát hiện vụ việc, đối tượng liên quan đến vi phạm, tội phạm cần thông tin, trao đổi kịp thời với đơn vị chức năng của Bộ Công an để có biện pháp phối hợp giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia: Hiệu quả tiết kiệm chống lãng phí nhìn từ việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây 500kV mạch 3
Ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia |
Từ thành công của các Dự án mạch 3, EVN và EVNNPT đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là: Sự vào cuộc của chính quyền các cấp và đồng thuận của người dân địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về “4 tại chỗ” người dân và các doanh nghiệp địa phương tham gia cung cấp nguyên vật liệu, máy thi công, tham gia thi công các hạng mục phù hợp với năng lực.
Kết quả, các dự án đã huy động tại các địa phương 2.267 máy thi công các loại, chiếm 92% tổng số máy thi công; 7.273 người, chiếm 90% lao động phổ thông; mua vật liệu xây dựng của 226 công ty, chiếm 95% tổng khối lượng. Việc thực hiện tốt công tác “4 tại chỗ" làm cho lợi ích của người dân và doanh nghiệp hài hòa, tiến độ dự án được đẩy nhanh, người dân tại các địa phương hiểu được tầm quan trọng của dự án, ủng hộ dự án, nhường chỗ ở, đất sản xuất để thi công làm cho công tác giải phóng mặt bằng được đẩy nhanh và không xảy ra khiếu kiện...