Kinh tế lập nhiều kỷ lục mới, cơ hội nào cho chứng khoán cuối năm?
Kinh tế Việt Nam bất ngờ ghi nhận những kết quả rất tích cực trong quý II, xóa tan nhiều lo ngại của các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán trong tháng 7 và nửa cuối năm 2024 sẽ lạc quan đến đâu?
Kinh tế bứt phá
Tổng cục Thống kê Việt Nam vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2024 toàn kỷ lục, với quý II tăng trưởng khởi sắc. GDP quý II tăng 6,93%, vượt qua dự báo của hầu hết tổ chức lớn và là quý II tăng cao nhất trong 13 năm trở lại đây, trừ giai đoạn đặc biệt 2022 (tăng 7,99%).
Đây là con số bất ngờ bởi một số tổ chức quốc tế còn dự báo tăng trưởng kinh tế quý II sẽ có thể còn tăng thấp hơn so với quý I (5,66%).
Tăng trưởng trung bình 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%, vượt xa kỳ vọng của các tổ chức như World Bank (WB) hay Quỹ tiền tệ thế giới (IMF). Các tổ chức này dự báo 5,5-6% cho cả năm 2024.
Hàng loạt kỷ lục được thiết lập. Xuất khẩu trong 6 tháng đạt hơn 190 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt kỷ lục 185 tỷ USD thiết lập trong nửa đầu năm 2022.
Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục lịch sử mới 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử có thặng dư ngân sách, với tổng thu đạt 1,02 triệu tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ, trong khi đó tổng chi ngân sách đạt hơn 803 nghìn tỷ đồng.
Khách quốc tế trong 6 tháng tăng 58,4% lên mức cao kỷ lục 8,8 triệu lượt, cao hơn 4,1% so với mức kỷ lục trước dịch - nửa năm 2019…
Chứng khoán nửa đầu năm gập ghềnh
Trong nửa đầu năm 2024, giới đầu tư chứng khoán trải qua nhiều cảm xúc trái chiều. Tình trạng này cũng diễn ra trong tháng 6. Trong nửa đầu tháng 6, giới đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index bứt phá qua ngưỡng 1.300 điểm. Nhưng nửa cuối tháng lại là cảm giác lo lắng khi chỉ số VN-Index có những phiên giảm mạnh, bẻ gãy nhịp tăng ngắn hạn của chỉ số.
Hầu hết cổ phiếu đều có mức giảm 5-15% sau khi kết thúc tháng 6. Chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.245 điểm, giảm 1,3% so với tháng 5.
Chia sẻ đánh giá về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, ông Nguyễn Minh Giang - chuyên gia quản lý gia sản khách hàng, Công ty Chứng khoáng KBSV Việt Nam - cho rằng, có nhiều yếu tố tác động từ vĩ mô trong và ngoài nước cũng như những sự kiện trên TTCK đã bẻ gãy xu hướng tăng ngắn hạn của chỉ số VN-Index trong nửa cuối tháng 6. Đó là các yếu tố: Tháng 6 các quỹ ETFs cơ cấu, chốt NAV tháng/quý; khối ngoại gia tăng áp lực bán ròng; áp lực tỷ giá trong nước; chỉ số DXY tăng trở lại, thị trường vàng khó lường…
Giao dịch của khối ngoại trong nửa đầu năm 2024. |
Sự mất giá của VND và mạnh lên của USD là lý do chính giải thích cho việc khối ngoại liên tục bán ròng trên TTCK. Tính đến tháng 6/2024, khối ngoại đã bán ròng hơn 50.000 tỷ VND, tương ứng khoảng 2 tỷ USD. Mức bán ròng này cao nhất tính từ 2011 trở lại đây (nếu tính nửa đầu năm).
Dù tỷ trọng giao dịch của khối ngoại tham gia trên TTCK Việt Nam hiện tại không còn quá lớn như những năm trước (ước tính khoảng 19%), nhưng phải thừa nhận hành động bán ròng liên tục và tập trung vào những nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đã phần nào gây ra sức ép nhất định cho thị trường và ảnh hưởng tới tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, sức ép từ khối ngoại sẽ dần hạ nhiệt từ quý III trở đi khi áp lực tỷ giá không còn quá căng thẳng.
Biến động giá cổ phiếu một số ngành trong 5 tháng đầu năm 2024. |
Kỳ vọng sự khởi sắc của TTCK Việt Nam nửa cuối năm
Với những tín hiệu tích cực về kinh tế, thị trường chứng khoán dự báo sẽ diễn biến ra sao trong nửa cuối năm?
Diễn biến thực tế đã cho thấy, thị trường chứng khoán không phải nền kinh tế mà là tổng hợp kỳ vọng về lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết (ảnh hưởng một phần bởi kinh tế vĩ mô), mức độ tiền rẻ trong nền kinh tế, dòng tiền qua lại giữa các kênh đầu tư như bất động sản, tiền số, vàng, USD… Bên cạnh đó là dòng vốn ngoại….
Theo ông Giang, có nhiều lý do để kỳ vọng nửa cuối năm TTCK Việt Nam sẽ khởi sắc theo bức tranh “đẹp dần” của nền kinh tế. Trước hết đó là khả năng áp lực tỷ giá hạ nhiệt nửa cuối năm.
Theo số liệu vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân lõi của Mỹ (PCE lõi) thước đo lạm phát ưa thích của FED tháng 5/2024 vừa ghi nhận mức tăng yếu nhất trong hơn 3 năm qua. Điều này sẽ củng cố khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu vào nửa cuối năm (kỳ vọng diễn ra vào tháng 9). Nhiều ngân hàng trung ương lớn đã cắt giảm lãi suất như Canada, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ…
Trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục sử dụng các công cụ điều hành linh hoạt nhằm giảm áp lực tỷ giá như phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày đẩy lãi suất lên 4,3%, đối với các ngân hàng thương mại cần nguồn vốn hỗ trợ NHNN cho vay qua kênh OMO với mức lãi suất 4,5%. Đây được coi là động thái thiết lập mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn, qua đó làm giảm áp lực tỷ giá và dự trữ ngoại hối.
Nhu cầu ngoại tệ nửa cuối năm của các doanh nghiệp dự kiến sẽ giảm nhiệt dần bởi hầu hết đơn đặt hàng đã được chuẩn bị từ 2 quý đầu năm.
Thị trường vàng được NHNN bình ổn, kiểm soát tốt sau khi áp dụng việc bán vàng miếng SJC qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, BIDV, Viettinbank) và Công ty SJC, đã giúp kéo chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước so với thế giới từ mức bình quân 15-17 triệu đồng/lượng chỉ còn chênh 4-5 triệu đồng/lượng, làm giảm tình trạng buôn lậu, đầu cơ vàng, qua đó tránh hao hụt ngoại tệ.
Ngoài ra, những tín hiệu tích cực như xuất siêu, vốn FDI và lượng kiều hối vẫn duy trì mức tăng tốt qua các năm cũng là cơ sở để kỳ vọng áp lực tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt vào nửa cuối năm.
Trên TTCK, trong tháng 7, các doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố kết quả kinh doanh quý II và báo cáo tài chính bán niên. Đây là giai đoạn rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đang có nhịp điều chỉnh ngắn hạn.
Chỉ số VN-Index dự kiến sẽ mất 2-3 tuần sideway (đi ngang) trong biên 1.235-1.285 điểm, tạo đà vượt 1.300 điểm dự kiến vào nửa cuối tháng 7 và chinh phục mục tiêu 1.380-1.400 điểm vào cuối năm 2024.
Đáng chú ý, Quốc hội chính thức thông qua các luật quan trọng là Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, được áp dụng từ ngày 1/8/2024 sớm 5 tháng so với dự kiến.
Các doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn về yếu tố pháp lý. Khi chính thức thông qua 3 luật trên sẽ giúp tháo gỡ cho các doanh nghiệp bất động sản và cũng phần nào đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2024.
Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu bất động sản ghi nhận mức tăng thấp nhất, hầu hết cổ phiếu bất động sản đã và đang tạo đáy trung hạn. Bên cạnh đó, các nhóm xuất khẩu, bán lẻ, vận tải biển, năng lượng, tài chính… có thể tiếp tục đà tăng giá.