Kỷ nguyên hẹn hò trực tuyến lụi tàn - Giấc mộng 'tình ảo' tan biến
Tập đoàn Match Group - chủ sở hữu hơn 40 ứng dụng hẹn hò trực tuyến, bao gồm Tinder, đang gặp vấn đề đáng lo ngại khi giá trị vốn hóa giảm mạnh trong những năm gần đây.
Được niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2015, tới nay, vốn hóa thị trường của Match Group chỉ còn 8 tỷ USD, thấp hơn 80% so với thời điểm hoàng kim 3 năm về trước. Nguyên nhân là xu hướng sử dụng ứng dụng hẹn hò của người dùng đã thay đổi, không còn mặn mà như xưa. Trong đó, Tinder - đứa con cưng của Match Group ghi nhận số lượng tài khoản trả phí sụt giảm ròng rã đã 8 quý liên tiếp.
Đỉnh cao của Tinder đến vào năm 2020, khi số lượng người dùng đạt mức kỷ lục 73 triệu người (Ảnh: Tinder) |
Giống như Tinder, khó khăn đã lan rộng, các ứng dụng hẹn hò trực tuyến khác như Badoo và Bumble cũng phải chịu chung số phận tương tự. Thống kê cho thấy, các khách hàng của các ứng dụng này ngày càng không muốn trả phí để sử dụng dịch vụ cao cấp, chưa kể, hoạt động quảng cáo cũng bị thu hẹp nghiêm trọng.
Giá trị cổ phiếu của công ty sở hữu Bumble và Badoo theo đó cũng giảm mạnh gần 90% trong vòng 5 năm qua. Đặc biệt, cổ phiếu của Bumble có ngày mất tận 25% thị giá sau khi những triển vọng về doanh thu gần như bị triệt tiêu, vào hồi tháng 8/2024.
Một khảo sát gần đây của Tạp chí Forbes chỉ ra thực tế đáng báo động rằng, đang có tới 78% người dùng cảm thấy mệt mỏi, chán nản và kiệt quệ tinh thần vì các ứng dụng hẹn hò. Sự mệt mỏi này đến từ việc phải liên tục so sánh bản thân, đối mặt với những tin nhắn không mong muốn, và nỗi thất vọng khi không tìm thấy mối quan hệ phù hợp.
Đó là điều đáng tiếc khi Tinder, Bumble hay Badoo khi ra đời được ví như một cuộc cách mạng hòng thay đổi cách thức con người khi tìm kiếm tình yêu. Có lẽ, yêu qua mạng, từng là trào lưu, giờ đây lại dần bị lãng quên bởi người trẻ.
Còn nhớ khi chính thức niêm yết hồi tháng 2/2021, giá trị vốn hóa thị trường của Bumble đạt 13 tỷ USD trong ngày giao dịch đầu tiên, trong khi cuối năm đó giá trị của Match Group đạt gần 50 tỷ USD.
Khi Tinder lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2012, nó đã tạo ra một cơn sốt trong cộng đồng giới trẻ. Với giao diện đơn giản, chỉ cần vuốt màn hình để "like" hoặc "dislike" một profile, Tinder đã nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu. Thế nhưng sau hơn một thập kỷ ra mắt, sự mới lạ của Tinder đã dần phai nhạt.
"Sở thích và nhu cầu của khách hàng đã thay đổi", Giám đốc điều hành Lidiane Jones của Bumble thừa nhận. Thật vậy, giới trẻ ngày nay có những quan niệm rất khác về hẹn hò và hôn nhân. Họ tìm kiếm những kết nối sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn, chứ không chỉ đơn thuần là những cuộc trò chuyện qua màn hình.
Khi Match Group quyết định mua lại Tinder với giá 3 tỷ USD vào năm 2017, ít ai có thể ngờ rằng chỉ vài năm sau, ứng dụng hẹn hò một thời đình đám này lại phải đối mặt với những thách thức lớn đến vậy. Với hơn 50 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, Tinder khi đó được xem là một hiện tượng toàn cầu và đã tạo ra một cơn sốt lan rộng khắp thế giới, khiến vô số đối thủ cạnh tranh phải đua nhau sao chép mô hình kinh doanh.
Đỉnh cao của Tinder đến vào năm 2020, khi số lượng người dùng đạt mức kỷ lục 73 triệu người. Vậy nhưng từ đó đến nay, con số này đã giảm hơn 1/3, kéo theo doanh thu cũng đi xuống. Thậm chí, trong quý III/2024, doanh thu trực tuyến của Tinder chỉ đạt 503 triệu USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, mặc dù phí đăng ký đã được nâng lên.
Theo Giám đốc Liesel Sharabi của Phòng thí nghiệm Công nghệ và Quan hệ tại Đại học Bang Arizona, ngành hẹn hò trực tuyến đang cố gắng tìm kiếm "điều mới lạ tiếp theo" nhưng vẫn chưa tìm được và đang gặp khó khăn.
Cùng quan điểm, chuyên gia phân tích cấp cao Shweta Khajuria của Wolfe Research cho biết hình ảnh của Tinder đã trở nên xấu xí trong mắt người dùng với các vấn đề như mại dâm, mối quan hệ độc hại, quấy rối tình dục... "Tinder đã gặp phải rào cản vì nhận thức của người dùng về ứng dụng này đang xấu đi rất nhanh và rất khó để thay đổi nhận thức một khi chúng đã được thiết lập", bà Khajuria nhận định.
Theo cơ quan quản lý truyền thông Ofcom, một trong những nguyên nhân chính là do tính mới lạ của các ứng dụng hẹn hò đang dần mất đi. Thế hệ gen Z, những người sinh ra và lớn lên trong thời đại số, đã quá quen thuộc với việc kết nối trực tuyến. Ứng dụng hẹn hò đối với họ vốn không còn là một điều gì đó mới mẻ và hấp dẫn nữa.
"Vấn đề nằm ở sự phù hợp của sản phẩm với giới trẻ trên thị trường. Các ứng dụng hẹn hò cần phải không ngừng đổi mới và sáng tạo để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của thế hệ gen Z", chuyên gia phân tích Cory Carpenter tại JP Morgan Chase nhận định.