TP. Hồ Chí Minh: Sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ năm 2024 tăng trưởng cao
Sản xuất công nghiệp tiếp đà đi lên, tạo lực đẩy tăng tốc về đích TP. Hồ Chí Minh: Tháng 10, sản xuất công nghiệp tiếp đà tăng trưởng |
Sáng ngày 26/12, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; quán triệt triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Đại biểu tham dự hội nghị. |
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại hội nghị, ông Dương Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh - nhấn mạnh: Trong năm 2024, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế thành phố tiếp tục hồi phục tích cực, chuyển dịch theo hướng hiện đại, có mức tăng trưởng khá. Trong đó, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển bền vững của công nghiệp thành phố, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã có nhiều tín hiệu tích cực khi đơn hàng từng bước phục hồi.
Đặc biệt, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh duy trì ổn định, lưu thông thông suốt. Nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã tổ chức các chương trình khuyến mại hấp dẫn, giá hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng cho người dân. Cùng với đó, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ thúc đẩy dịch vụ vận tải tăng trưởng mạnh mẽ…
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị |
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh ước tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành khai khoáng tăng 28,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1%. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm năm 2024 tăng 7,6% so với cùng kỳ; trong đó, ngành hóa dược tăng 19,5%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 1,5%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 2,1%; ngành cơ khí giảm 5,2%.
“Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển bền vững của công nghiệp thành phố. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã có nhiều tín hiệu tích cực khi đơn hàng từng bước phục hồi” - ông Dương Ngọc Hải đánh giá.
Về lĩnh vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng trưởng ổn định, ước đạt hơn 1.206.261 tỷ đồng, tăng 10,7%. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 11%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9%, dịch vụ lữ hành tăng 55%, dịch vụ khác 7,6%.
Đáng chú ý, xuất khẩu cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2024. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước năm 2024 ước đạt 46 tỷ USD, tăng 8,3% so năm 2023 (cùng kỳ giảm 8,64%).
Ông Dương Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh, báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 |
“Cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn (75%) trong kim ngạch xuất khẩu; cơ cấu thị trường xuất khẩu chuyển dịch mạnh sang các nước, vùng lãnh thổ Việt Nam có tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố đã có mặt tại 214 quốc gia, vùng lãnh thổ” - Phó Chủ tịch Dương Ngọc Hải nhấn mạnh.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hồi phục tích cực và đạt kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) có sự chuyển biến rõ nét, đặc biệt hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất - nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng; môi trường thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, UBND TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: 3/21 chỉ tiêu thành phần phát triển kinh tế - xã hội dự kiến không đạt; mức tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ năm 2023; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa đạt theo kế hoạch đề ra…
Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất khẩu năm 2025, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và phát triển bền vững.
Cùng với đó, phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao; tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Đồng thời, tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn nhằm kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Đặc biệt, tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của thành phố; triển khai Đề án Xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao; phát triển thương mại thành phố trở thành cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, gắn kết với các ngành sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tập trung hỗ trợ hình thành và phát triển một số tập đoàn bán buôn, bán lẻ nội địa có thương hiệu lớn, vai trò chi phối chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh trong khu vực nhằm ổn định cung - cầu, nâng cao tính cạnh tranh về giá gắn với tăng cường quản lý cạnh tranh…
Một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh năm 2025: - Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên 10%; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%. - Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% trong GRDP. - GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD. - Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% trong GRDP. - Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP đạt trên 50%. - Tỷ lệ chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt trên 1%/GRDP. - Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 7%. |